Đề thi THPT quốc gia 2020: Sẽ bám sát nội dung đã tinh giản

Nguyễn Bùi Tam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị trực tuyến tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 25/3, Bộ GD&ĐT đã thống nhất phương án đào tạo trên cơ sở tinh giản nội dung để phù hợp tình hình thực tế.

Bảo đảm kiến thức cốt lõi
Chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các địa phương xem xét, luận bàn các giải pháp để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, hiện tại, các địa phương cần quan tâm nghiên cứu những bộ sách giáo khoa, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Liên quan đến thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2020, ông Độ khẳng định, hiện Bộ GD&ĐT chưa điều chỉnh, theo đó, vẫn dự kiến diễn ra từ 8 - 11/8. Còn đề thi tham khảo, ma trận đề thi Bộ sẽ công bố sau khi có nội dung chương trình đào tạo đã qua tinh giản, giảm tải.
 Giáo viên giảng dạy chương trình trực tuyến trên truyền hình ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Định hướng phương án giảm tải, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các đơn vị rà soát, điều chỉnh, tránh trùng lắp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; lựa chọn chủ đề có thể tích hợp của từng môn học hoặc liên môn.
Cụ thể hơn, theo ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, các tiểu ban đang gấp rút rà soát chương trình để kịp tiến độ. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các chuyên gia giáo dục, tác giả sách giáo khoa, giáo viên của từng môn học, cấp học sẽ dựa vào chương trình, đối chiếu với sách giáo khoa để giản lược nhưng nội dung nâng cao, bảo đảm nội dung cốt lõi.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều giáo viên lo ngại nhất chính là học sinh khối 12 sẽ rất vất vả vì thiếu hụt thời gian học và ôn thi THPT quốc gia. Vì vậy, khi lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ xây dựng ma trận đề thi căn cứ vào nội dung đã tinh giản sẽ “cởi nút thắt” cho những lo lắng này.
Tăng tính tương tác trong giảng dạy
Về nội dung dạy học trực tuyến, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phải bảo đảm điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo cũng như yêu cầu về học liệu, hình thức bài giảng phù hợp với mô hình đào tạo mới và bám sát nội dung đã được tinh giản, giảm tải. Trong bối cảnh hiện tại, yêu cầu giáo viên cần đổi mới, sáng tạo, tăng cường các giải pháp kỹ thuật để tăng tương tác, thảo luận từng nội dung bài giảng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường giao nhiệm vụ cho giáo viên sát sao từng học sinh, hướng dẫn học sinh đọc tài liệu trước, soạn các câu hỏi căn cứ vào bài giảng ở truyền hình.
Liên quan đến việc tinh giản chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương thực hiện để trong tháng 3 này ban hành hướng dẫn cho các địa phương, cơ sở giáo dục. Mục tiêu là giảm được từ 5 - 7 tuần so với chương trình hiện nay để đến 15/7 là kết thúc năm học.
Tuy nhiên, việc tinh giản không thực hiện cơ học và phải bảo đảm cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình..

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa có cuộc làm việc nhằm trao đổi thống nhất một số nội dung hỗ trợ triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các nhà mạng có chính sách miễn phí dịch vụ internet cho học sinh, giáo viên sử dụng hệ thống dạy học trực tuyến. Thống nhất với đề nghị trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai ngay những hoạt động hỗ trợ để đồng hành với ngành giáo dục trong giai đoạn trước mắt, trong đó có việc miễn phí hạ tầng dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời điểm dịch bệnh. Dự kiến, Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT sẽ ký cam kết cụ thể cho những hỗ trợ này vào hôm nay (26/3).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần