Mỗi năm cứu hộ hàng trăm cá thểChỉ tính riêng trong năm 2016, Trung tâm CHĐVHD đã tiếp nhận 59 vụ với 557 cá thể và 7,5kg Rắn. Đồng thời, tổ chức điều trị 82 đợt cho 417 lượt các cá thể Hổ, Gấu ngựa, Chim công bị mắc các bệnh viêm phế quản co thắt, viêm phổi, viêm đường tiêu hóa… Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh và tẩy giun sán theo theo định kỳ 13 đợt cho 604 lượt các cá thể Hổ, Gấu ngựa, Mèo rừng, Chim công...
Ông Ngô Bá Oanh - Giám đốc Trung tâm CHĐVHD Hà Nội cho biết, do diện tích mặt bằng nuôi nhốt, cứu hộ ĐVHD hạn hẹp trong khi số lượng ĐVHD đang cứu hộ, bảo tồn tại Trung tâm ngày càng tăng, nên năm qua, Trung tâm chỉ tổ chức gây nuôi sinh sản được 6 cá thể Khỉ đuôi dài và 1 cá thể Khỉ đuôi lợn. Như vậy, tính đến hết tháng 12/2016, Trung tâm đang bảo tồn 222 cá thể và 3,5kg Rắn.
Ông Ngô Bá Oanh - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội trực tiếp tham gia chăm sóc các cá thể Gấu. |
Bên cạnh việc chăm sóc chu đáo cho các loài ĐVHD, Trung tâm còn chủ động phối hợp với các đơn vị ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước thả về môi trường tự nhiên 80 cá thể và 2kg Rắn. Trong đó gồm nhiều loại ĐVHD quý, hiếm như: Rắn hổ mang chúa, Rồng đất, Nhông Úc, Cự đà, Tê tê java tại Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh) và Vườn quốc gia Cát Tiên.
Cũng trong năm 2016, Trung tâm đã tổ chức chuyển giao 8 đợt với 245 cá thể ĐVHD cho Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn Tê tê thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương. Với mục tiêu nâng cao chất lượng cứu hộ, bảo tồn các loài ĐVHD, Trung tâm đã chủ động hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế. Thông qua việc ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Bảo tồn ĐVHD nước Việt (thuộc tổ chức phi lợi nhuận FOUR PAWS) nhằm tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính cho Trung tâm làm giàu công tác phúc lợi động vật. Vẫn còn nhiều khó khănTuy nhiên, Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Theo ông Oanh, hiện nay, việc xử lý đối với các vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các loài ĐVHD của các cơ quan chức năng thường kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác cứu hộ các loài ĐVHD. Trong khi đó, ĐVHD đưa vào cứu hộ trong quá trình buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp hầu hết là bị yếu, bị thương. Điều này dẫn đến nguy cơ cao lây lan bệnh giữa các loài ĐVHD với nhau cũng như lây nhiễm bệnh từ động vật sang người khi tiếp xúc với ĐVHD. Một vấn đề đáng bàn là diện tích mặt bằng hiện tại của Trung tâm quá chật hẹp chỉ với 1ha. Diện tích này chỉ đủ xây dựng chuồng trại cứu hộ, chưa đáp ứng yêu cầu tạo không gian bán hoang dã để nuôi phục hồi tập tính của động vật sau cứu hộ. Mặc dù, năm 2012, Dự án Mở rộng Trung tâm 13ha đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, HĐND TP cũng đã có Nghị quyết thông qua, song đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.
Vì vậy, niềm trăn trở nhất của tập thể cán bộ và nhân viên Trung tâm CHĐVHD Hà Nội là đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành TP liên quan sớm triển khai dự án Mở rộng Trung tâm CHĐVHD theo đúng chỉ đạo của UBND TP. Chỉ như vậy, nơi đây mới thực sự trở thành "ngôi nhà" của các loài ĐVHD khi được chuyển giao đến Trung tâm thực hiện công tác cứu hộ trước khi trả về môi trường thiên nhiên.