Để tránh nguy cơ tụt hậu

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua 11/1, Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 lần thứ 2 do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Cùng với việc mang đến bức tranh tổng thể về nền kinh tế Việt Nam, Diễn đàn năm nay tập trung vào chủ đề hướng tới phát triển nhanh và bền vững đó là phát triển năng lượng xanh; nâng cao năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa và cải thiện môi trường kinh doanh thông qua nâng cao chất lượng thông tin.
 
Chiến lược “kinh tế xanh” đã trở thành con đường phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ khí đốt đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước. Tuy nhiên, đây là nguồn năng lượng không tái tạo, việc sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch làm gia tăng hiệu ứng nhà kính diễn biến khí hậu gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng đang hướng tới phát triển năng lượng và kinh tế xanh, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường.

Cải thiện năng suất lao động là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển kinh tế, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Chênh lệch năng suất giữa Việt Nam với các nước tiếp tục gia tăng là một trong những thách thức cho Việt Nam, có nguy cơ tụt hậu nếu không có chính sách để vượt thách thức, tránh bẫy thu nhập trung bình.

Tất nhiên, để thực hiện các giải pháp và vượt qua thách thức không thể thiếu được cải cách thể chế. Chính phủ mới đã nỗ lực, quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, song rõ ràng Việt Nam sẽ phát triển thông qua những thể chế phù hợp nhất với hoàn cảnh của Việt Nam và điều kiện thế giới. Nói như một chuyên gia lâu năm, tại các nước phát triển khi bắt đầu khởi sự, người ta chỉ làm thủ tục 3 bước thì ở ta phải mất đến 10 bước. Cùng với đó người ta chỉ đi đến 1 đầu mối là giải quyết xong việc còn ta phải 3 - 4 đầu mối… Cải cách ở đây là phối kết hợp giữa các bộ, ngành liên quan, tổ chức sắp xếp lại, nếu bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả đương nhiên sẽ kéo theo trì trệ .

Báo cáo Việt Nam 2035 "Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" với những mục tiêu xây dựng đất nước công nghiệp, hiện đại với chất lượng cuộc sống cao hơn thì tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm, nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD (hiện nay chưa tới 4.000 USD). Đây là mục tiêu không đơn giản. Và ngay tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đi nhắc lại điều mong mỏi cùng nỗ lực để tận dụng triệt để cơ hội, phát huy tối đa tiềm lực của nền kinh tế, trở thành con hổ mới của Đông Nam Á. Tăng năng suất lao động nhanh, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh, bền vững phát triển toàn diện.