Để tư duy chụp giật không là nỗi lo của du lịch

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một tuần qua, thông tin 2 du khách nước ngoài bị trả lại bằng tiền âm phủ đã khiến dư luận phẫn nộ và các cơ quan quản lý phải vào cuộc rốt ráo.

 Khách Tây bị tài xế taxi trả lại 900.000 đồng bằng tiền âm phủ
May mắn là thủ phạm lừa du khách – người lái taxi đã được tìm ra và xử lý, các cơ quan chức năng đã kịp gặp gỡ 2 vị khách người Tây Ban Nha để giải thích, tìm lại tâm thế vui vẻ khi đi du lịch Việt. Nhưng sự ảnh hưởng của ngành du lịch từ những hành vi gian dối, chụp giật là không kể hết.
Nghi án 2 vị khách nước ngoài đi du lịch ở phố cổ Hà Nội bị trả lại tiền thừa bằng tiền âm phủ được phát giác trên mạng xã hội. Chỉ trong vòng vài giờ đăng tải, bài viết trên tài khoản cá nhân có hàng nghìn lượt chia sẻ và hàng triệu bình luận. 900.000 đồng tiền âm phủ và thực tế là lời lãi từ vụ lừa đảo chưa đầy 500.000 đồng của tài xế taxi đã gây thiệt hại cho ngành du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung những tổn thất không đếm xuể.
Nhiều năm nay, Hà Nội xây dựng hình ảnh là TP có điểm đến thân thiện, mến khách. Nhưng buồn thay, trong khi hàng trăm, hàng nghìn người hăng say cho nỗ lực này thì chỉ một vài hành động ép khách mua hàng với giá trên trời như: 80.000 đồng để mua một túi bánh rán, hoặc 850.000 đồng để đánh và dán đế cho một đôi giày đã khiến môi trường du lịch Thủ đô bị méo mó trong mắt nhiều người. Nhất là ở thời kỳ mạng xã hội lan truyền, sự việc không chỉ người Hà Nội biết mà cả du khách nước ngoài cũng đã nắm bắt. Khi những mặt trái bị lan truyền, những người không hiểu Hà Nội liệu có còn muốn đến Hà Nội?

Nhắc lại câu chuyện 2 du khách người Tây Ban Nha bị trả tiền thừa bằng tiền âm phủ để thấy “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Qua một sự việc, không chỉ có người taxi lừa đảo, mà cả người chở xích lô cũng nỗ lực chặt chém một cuốc xe đáng giá 200.000 đồng để thu 1.500.000 đồng của du khách. So sánh thông tin 2 du khách này mua nón lá 60.000 đồng và tặng thêm 100.000 đồng cho người bán hàng thì thấy rõ sự tương phản trong hành vi ứng xử.

Rõ ràng, nỗi lo về sự “hét giá”, lừa khách vẫn chưa chấm dứt đối với ngành du lịch. Bởi việc giải quyết tư duy ấy xem ra phức tạp hơn nhiều so với việc xử lý một vụ lừa đảo thông thường. Chấn chỉnh điều này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực quản lý của các cơ quan chức năng, mà là nhận thức và ý thức của mỗi người khi tham gia vào cung ứng các dịch vụ du lịch. Mà nói rộng hơn, tư duy ăn xổi, chụp giật hình như không chỉ là nỗi lo độc quyền của ngành du lịch.