Để văn hóa Việt thực sự tỏa sáng

Lại Tấn - Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn gìn giữ và phát huy văn hóa Việt Nam, CLB Bảo tồn và phát triển văn hóa Việt phối hợp cùng Queen Group tổ chức Festival văn hóa truyền thống Việt Nam giao lưu văn hóa quốc tế 2019 với chủ đề “Thăng Long bừng sáng”, hội tụ những giá trị văn hóa nghệ thuật của 3 miền Bắc – Trung – Nam, kéo dài từ ngày 5 – 9/4 tại Hoàng thành Thăng Long.

Hình ảnh phản cảm của ông đồ tại Festival văn hóa truyền thống Việt Nam giao lưu văn hóa quốc tế. Ảnh: Lại Tấn
Đi lễ hội văn hóa như đi chợ
Con đường đèn lồng với hàng trăm ngọn đèn hoa sen và nón lá rợp sắc màu là điểm nhấn đầu tiên gây ấn tượng mạnh với du khách khi tới Festival văn hóa truyền thống Việt 2019. Ngoài ra, trong khuôn khổ Festival còn diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn như: Tái hiện không gian làng Việt, khu hoa 4 mùa rực rỡ sắc màu, khu trò chơi dân gian truyền thống hay khu phố ông Đồ...

Tên sự kiện Festival văn hóa truyền thống Việt Nam giao lưu văn hóa quốc tế 2019 là phù hợp tổ chức ở Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Sai sót của sự kiện là do cách tổ chức không nhằm phục dựng tôn vinh giá trị truyền thống mà nhộn nhạo các mặt hàng kinh doanh sai tiêu chí nên mới khiến dư luận phản ứng.

Phó Giám đốc TransViet Nguyễn Tiến Đạt

Festival văn hóa truyền thống Việt 2019 là nơi kết nối tinh hoa văn hóa Việt với bạn bè quốc tế, thể hiện ở các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh và khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, tạo cầu nối cho các DN hợp tác giao thương. Tuy nhiên, sau đêm khai mạc diễn ra hoàng tráng, được công chúng đón nhận, công tác tổ chức của lễ hội này xuất hiện nhiều bất cập. Diễn ra 5 ngày, với nhiều chương trình hấp dẫn nhưng thực tế, người dân mua vé tham gia không biết được lịch sự kiện bởi Ban Tổ chức không có bảng thông báo. Hơn nữa, du khách sau khi mua vé tham dự Festival như bước chân vào mê cung với đủ mặt hàng, âm thanh ầm ĩ, tạp nham, không có giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài chương trình nghệ thuật, Festival còn trưng bày các gian hàng bán các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ với đủ các mặt hàng: Đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc, 5 - 7 quầy hàng giới thiệu ghế massage và các cửa hàng kính rởm. Chị Nguyễn Thị Thanh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có cảm nhận như bước chân vào một khu chợ hơn là lễ hội. Khu vực gian hàng có quá nhiều sản phẩm nhưng ít mang đặc trưng của Việt Nam. Đồ điện tử, đồ chơi trẻ em tràn lan. Thực phẩm thì toàn thức ăn nhanh, trà sữa, ít thấy các món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, bún chả, bánh cuốn”.

Tại lễ hội, Ban Tổ chức bố trí nhiều tiểu cảnh mô phỏng làng quê Việt. Tuy nhiên thực tế, sau đêm khai mạc, nhiều tiểu cảnh, cây xanh bị héo, xuống cấp nhưng không được thay thế. Liên hệ với đại diện truyền thông của Queen Group để trao đổi về vấn đề này, đại diện Ban Tổ chức cho biết “không nắm được”. Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại khu vực phố ông Đồ, trang phục, cách ứng xử của một số ông Đồ còn chưa đẹp. Thậm chí, khi các em nhỏ xin chữ, ông Đồ vừa hút thuốc vừa viết chữ. Hình ảnh trên đã phần nào làm ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.

Đóng cửa các gian hàng lạc chủ đề

Festival văn hóa truyền thống Việt Nam giao lưu văn hóa quốc tế 2019 là cơ hội để quảng bá, giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt đến người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để văn hóa Việt thực sự có không gian để tỏa sáng, lan tỏa, Ban Tổ chức cần xem lại một số nội dung cũng như cách thức tổ chức để có điều chỉnh cho phù hợp.

Liên hệ với nơi diễn ra sự kiện, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội Phan Duy Thắng cho biết: Sự kiện do CLB Bảo tồn và phát triển văn hóa Việt cùng Queen Group phối hợp tổ chức, Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội chỉ là nơi tiếp nhận sau khi có đầy đủ các thủ tục cấp phép của các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, ông Thắng thừa nhận, Trung tâm cũng có một phần trách nhiệm khi để các mặt hàng không mang tính truyền thống xuất hiện tại sự kiện. “Các DN chở hàng vào ban đêm nên lực lượng bảo vệ đã không kiểm soát hết. Ngay sau khi thấy các mặt hàng không đúng tiêu chí sự kiện, Trung tâm đã liên hệ với Ban Tổ chức yêu cầu dừng bày bán. Đến ngày 7/4, đồ may mặc, ghế massage, quầy bán kính… đã phải đóng cửa” – ông Phan Duy Thắng cho biết, đồng thời khẳng định, sau sự việc lần này Trung tâm cũng sẽ rút kinh nghiệm với các bộ phận liên quan, kiểm soát chặt chẽ hơn với các sự kiện phối hợp, mượn địa điểm để tránh những sai sót trong lần tổ chức tiếp theo.
Festival văn hóa truyền thống Việt Nam giao lưu văn hóa quốc tế 2019 do nhiều đơn vị cấp phép: Sở VH&TT cho ý kiến về tổng thể lễ hội, cấp phép các chương trình biểu diễn nghệ thuật, Sở Công Thương cấp phép nội dung trưng bày các gian hàng, Sở Tài chính chấp thuận phương án bán vé trong sự kiện… Theo đại diện thanh tra văn hóa (Sở VH&TT Hà Nội), Ban Tổ chức đã chấp hành tốt nội dung chương trình nghệ thuật, đảm bảo theo đúng nội dung cấp phép. Đối với các sản phẩm không đúng với tính chất làng nghề truyền thống đã được các đơn vị kịp thời nhắc nhở, yêu cầu dừng trưng bày.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần