Đề Văn THPT Quốc gia 2019 hay, có tính phân hóa cao

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thầy Phan Trắc Thúc Định – giáo viên dạy Văn trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), đề Văn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay rất hay, có tính phân hóa cao, gần gũi mà không mòn cũ.

Thầy Định cho rằng: Đề bám sát cấu trúc chung của Bộ đã định hướng, vừa kiểm tra được được kiến thức kĩ năng mà vẫn giữ được đặc trưng bộ môn. Đề thi môn Ngữ văn sáng tạo, mạnh dạn, vừa sức học sinh tốt nghiệp, lại vừa có thể phân loại được thí sinh xét tuyển đại học. Trọng tâm để hỏi đều là những vấn đề quan trọng. Cấu trúc đề khá quen thuộc với thí sinh nhiều năm nay, đồng thời cũng giống như đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố, phù hợp với thời lượng làm bài 120 phút.

 Các thí sinh tại điểm thi trường THPT Phan Đình Phùng. Ảnh: Ngọc Tú
Câu đọc hiểu là một đoạn văn bản thơ “Trước biển” của nhà thơ Vũ Quần Phương. Đây là 1 ngữ liệu mới với học sinh nhưng các dạng câu hỏi như thể loại; ý nghĩa hình ảnh thơ; hiệu quả biện pháp tu từ; suy nghĩ của học sinh về 1 vấn đề “hành trình theo đuổi khát vọng”... Các dạng câu hỏi này học sinh đều được làm quen và ôn luyện kĩ.

Ở phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội dùng luôn vấn đề của trích đoạn Đọc hiểu để làm đề nghị luận xã hội theo dạng trả lời câu hỏi ngắn. Câu Nghị luận xã hội của đề yêu cầu viết đoạn về “sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống” khá thực tiễn với cuộc sống, là vấn đề quan trọng đặc biệt với giới trẻ; câu hỏi thi có tính tính thời sự và thực tiễn cao. Câu hỏi đề thi như vậy sẽ tạo được hứng thú cho học sinh cảm nhận và đưa ra quan điểm của bản thân từ góc nhìn chân thực, mang tính cụ thể, không giáo điều, máy móc. Câu nghị luận xã hội không đánh đố, có tính định hướng tốt, vấn đề bao quát, chạm đến lẽ sống “ý chí” con người; nhưng vẫn gợi được tính thời đại, thời sự, trách nhiệm suy nghĩ của giới trẻ.
 Đề thi môn Ngữ văn tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019.
Câu nghị luận văn học hướng đến tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Đề cung cấp đoạn văn đầu tiên của văn bản trong sách giáo khoa. Đoạn văn bản rõ ràng với các ý hỏi khá mạch lạc cụ thể. Với yêu cầu cơ bản học sinh sẽ chỉ ra được cảm nhận vẻ đẹp dòng sông Hương qua đoạn trích. Với yêu cầu cao hơn, khó hơn học sinh phải chỉ ra được cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của tác giả. Vậy đây là câu hỏi có tính phân hóa rất rõ. Đoạn văn được lựa chọn được lựa chọn khá hay; câu hỏi cũng rất thú vị hấp dẫn. Vì vậy câu này vừa tránh được văn mẫu, vừa hay, lại vừa có tác dụng phân loại trình độ học sinh.

“Nhìn chung với đề Văn này, học sinh muốn làm tốt không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng Đọc hiểu; viết đoạn Nghị luận xã hội; kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú. Tôi nghĩ phổ điểm của môn Văn sẽ cao chứ không thấp”- thầy Định nhận định.