Để vơi đi những khó khăn

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến 6 giờ sáng ngày 21/2/2021, Hải Dương có 596 ca lây nhiễm trong tổng số 776 ca trong toàn quốc. Điều đó cho thấy tình hình dịch Covid-19 tại địa phương này đang hết sức phức tạp, dù Hải Dương đang thực hiện “phong tỏa trong phong tỏa” tại huyện Cẩm Giàng và một số điểm.

Ghi nhận tại địa điểm tập kết và giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương số 38 Giải Phóng, quận Hoàng Mai. Ảnh: Duy Khánh
Rõ ràng, chống dịch ở Hải Dương lúc này không chỉ giữ an toàn cho địa phương mà còn giữ an toàn cho cả nước. Điều này đòi hỏi sự chi viện toàn diện cả về chuyên môn lẫn các khía cạnh khác của cả nước với tinh thần “tất cả vì Hải Dương”, vì chính cuộc sống của chúng ta.

Ngay sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Đoàn công tác của TP Hà Nội do Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương làm trưởng đoàn đã tới thăm hỏi và trao hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Hải Dương 50.000 chiếc khẩu trang và 2 tỷ đồng.

Không chỉ Hà Nội đứng bên Hải Dương trong giai đoạn khó khăn trong công cuộc chống dịch, Hải Phòng cũng đã tỏ rõ thiện chí. Chỉ đạo tạm dừng tiếp nhận hàng hóa từ Hải Dương của UBND TP Hải Phòng từ ngày 16/2 đã được giải tỏa. Đơn giản đến 80% nông sản Hải Dương được xuất khẩu đường biển qua ngã này, nếu Hải Phòng tạm dừng tiếp nhận tất cả hàng hóa từ Hải Dương và có quy định lái xe Hải Phòng nếu đi từ Hải Dương về phải cách ly tập trung sẽ khiến bà con nông dân tỉnh này lao đao. Hơn lúc nào hết Hải Dương nói riêng và cả nước vừa chống dịch, vừa phải duy trì không gian cho DN hoạt động và người dân duy trì sinh kế.

Đã có lúc hàng ngàn tấn nông sản tại Hải Dương đến kỳ thu hoạch đang bị ùn ứ, đứng trước nguy cơ phải vứt bỏ do không tiêu thụ được. Lượng nông sản hơn 4.000 ha rau quả vụ đông Hải Dương đang kỳ thu hoạch có sản lượng ước khoảng 91.000 tấn đang bị đe dọa, nếu không được “giải cứu” sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân địa phương có tới 67,8% người dân sinh sống ở vùng nông thôn.

Lúc này việc làm thế nào để thu mua nông sản của bà con Hải Dương cũng như vận chuyển hàng hóa (kể cả việc nhận hàng của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI) đang là cả một vấn đề lớn, không chỉ của mỗi Hải Dương. Tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước” của đồng bào Thủ đô và các địa phương trong cả nước đã tiếp sức cho người dân Hải Dương. Điều này đã góp phần đánh tan tâm lý e dè tiêu thụ với hàng hóa đến từ vùng dịch, khi đã có hướng dẫn cụ thể từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu thông an toàn…Những kinh nghiệm trong lưu thông hàng hóa, nông sản tại Quảng Nam, Đà Nẵng… là kinh nghiệm quý lúc này.

Điểm bán nông sản Hải Dương của Công đoàn trường Đại học Y Hà Nội hay do cá nhân tổ chức tại 38 Giải Phóng (đối diện cổng Đại học Bách Khoa) đã tiêu thụ hàng chục tấn trong một thời gian ngắn. Người mua và người bán đều không trả giá, kỳ kèo, ổi, bắp cái, cà rốt, cà chua đều được đóng gói 5kg, giá niêm yết sẵn, ổi Thanh Hà 25.000 đồng/kg, bắp cải 18.000 đồng/kg, cà rốt 35.000 đồng/kg, cà chua 2.000 đồng/kg…

Khác với chứng bệnh tứ chứng nan y "phong, lao, cổ, lại” trong quá khứ, đại dịch Covid-19 lần này, thay vì phê phán, chỉ trích, kỳ thị người dân vùng dịch, những việc làm trên có ý nghĩa rất lớn trong việc tiếp sức, động viên và chi viện cho người dân nơi đó. Cả nước đang bằng mọi cách để giúp người dân vùng dịch, trong đó có việc tiêu thụ nông phẩm để họ bớt đi những khó khăn về kinh tế. Hơn bao giờ hết Hải Dương đang cần sự chung sức, đồng lòng của mọi người!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần