Để xảy ra cháy, chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

Trên đây là một trong những nội dung công văn vừa được UBND TP Hà Nội ban hành yêu cầu sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố.

Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy; khi xảy cháy, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai đồng bộ các biện pháp, tích cực phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định tình hình.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
Diễn tập phòng chữa cháy tại các tòa nhà chung cư. Ảnh minh họa
Diễn tập phòng chữa cháy tại các tòa nhà chung cư. Ảnh minh họa
Trong công văn này, UBND thành phố đã giao Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố: Tổ chức tổng kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, chung cư, chợ và trung tâm thương mại; rà soát quy hoạch, phân loại khu dân cư, chung cư, chợ và trung tâm thương mại để đề xuất với UBND thành phố chỉ đạo xử lý, khắc phục dứt điểm các tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; đôn đốc các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy trước khi đưa công trình vào sử dụng, báo cáo UBND thành phố và gửi Bộ Công an trước 30/3/2016. Củng cố, kiện toàn lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; tăng cường tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. 

Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, kịp thời phát hiện những quy định không còn phù hợp với Luật Phòng cháy và chữa cháy đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; nghiên cứu xây dựng quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, chung cư, chợ và trung tâm thương mại…

Phòng, chống cháy nổ là công tác vô cùng quan trọng bảo đảm sự an toàn các cơ quan nhà nước, cơ sở vật chất của doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến tính mạng của người dân. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cháy chung cư cao tầng. 

Nguyên nhân để xảy ra cháy chủ yếu là do công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư vẫn còn nhiều bất cập. Trên thực tế đã có rất nhiều nhà cao tầng xảy ra cháy nổ và để lại hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do công tác phòng ngừa và hệ thống PCCC tại chỗ không có hiệu quả. Hàng loạt chung cư cao tầng được xây dựng trên địa bàn Hà Nội, nhưng trong số đó có không ít công trình đã được bàn giao, sử dụng dù chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tình trạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn cháy nổ.