Đề xuất 4 phương án đổi mới mô hình tổ chức chính trị-xã hội

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/4, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư tổ chức Hội thảo khoa học "Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội".

 
Theo Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Mai Văn Chính, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, bên cạnh những thành tích, thì tổ chức bộ máy còn cồng kềnh. Rất cần có những nghiên cứu, lý luận và đánh giá thực tiễn, từ đó đề xuất nhằm đổi mới mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, rõ chức năng nhiệm vụ, không chồng chéo, hoạt động thiết thực và hiệu quả, đề cao tính tự chủ.
Ban Tổ chức T.Ư đã triển khai nghiên cứu đề tài "Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội", trong đó đề xuất 4 phương án. Phương án 1, giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội hiện nay, tuy nhiên có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức. Phương án 2, nhất thể hóa chức danh Chủ tịch MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung. Phương án 3, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị - xã hội thành các ban của MTTQ Việt Nam, trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và xã. Phương án 4, hợp nhất Ban Dân vận và MTTQ Việt Nam.

Góp ý vào các phương án này, các nhà khoa học, chuyên gia đều cho rằng, đây là vấn đề lớn, cần thảo luận kỹ. Đồng thời, thống nhất tiếp tục tăng cường vai trò của MTTQ, nhiều ý kiến đồng thuận với phương án giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội hiện nay.