Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 15 - 17%

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính đề xuất DN siêu nhỏ có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 15%.

Bộ tài chính vừa đề xuất tập trung sửa đổi 8 nội dung về thuế thu nhập DN nhằm hỗ trợ DN nhỏ và vừa, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Với DN nhỏ và vừa, Bộ tài chính đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN để đáp ứng và tương thích với Luật hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 mới được Quốc hội ban hành.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Cụ thể, DN siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; DNNVV (là DN có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ ba tỷ đồng đến 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%.

Doanh thu làm căn cứ xác định DN thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% là tổng doanh thu của DN trong năm. Để tránh các trường hợp DN thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, dự thảo của Bộ Tài chính cũng quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với DN là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ tài chính đề xuất sửa đổi 3 nội dung gồm: Quy định phương pháp nộp thuế GTGT và thuế TNDN đơn giản cho DN siêu nhỏ; tỷ lệ thu thuế đối với nhà thầu nước ngoài; bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề xuất sửa đổi về ưu đãi thuế theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, Nghị quyết số 25/2016/QH14 và phù hợp với thông lệ quốc tế theo hướng hẹp về lĩnh vực, tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có GTGT lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa, hoạt động tài chính vi mô của tổ chức tài chính vi mô hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và tỷ lệ DNNVV tại Việt Nam cũng chiếm một tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97 - 98%), được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế.

Bộ Tài chính cho biết, hiện các nước trên thế giới và trong khu vực có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho DNNVV. Ví dụ như Trung Quốc áp dụng thuế suất ưu đãi với DN nhỏ là 20% trong khi thuế suất phổ thông là 25%, riêng giai đoạn 2015 - 2017, DN có thu nhập chịu thuế thấp còn được áp dụng thuế suất thấp hơn.

Hoặc tương tự ở Thái Lan, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% nhưng DNNVV cũng được áp dụng thuế suất ưu đãi thấp hơn. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2017, tuỳ theo mức thu nhập đạt được, DN có thu nhập chịu thuế từ 300.000 baht trở xuống được miễn thuế, DN có thu nhập chịu thuế lớn hơn 300.000 baht được áp dụng thế 10%...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần