Đề xuất không miễn học phí cho sinh viên sư phạm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục.

 Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí.

Thay thế bằng “tín dụng sư phạm”

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, chính sách không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm đã thực hiện được 20 năm. Đây cũng là chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thể hiện quan điểm "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Thực tế cũng chứng minh, trước đây chính sách trên đã thu hút rất nhiều học sinh giỏi vào các trường sư phạm. Nhiều gia đình khó khăn, nhờ chính sách trên mà con em họ được đến trường, bớt đi phần gánh nặng cho gia đình, xã hội và sau đó trở thành những giáo viên giỏi, có nhiều cống hiến cho giáo dục.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, hiện nay, nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí lớn nguồn nhân lực sư phạm. “Vì vậy, học sinh, sinh viên sư phạm cũng cần đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành học khác” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sư phạm, Dự luật nêu rõ, sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Cùng với đó, giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm.

Nâng chất lượng đào tạo

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, trong quá trình thẩm tra Dự Luật vẫn còn 2 loại ý kiến. Nhiều ý kiến tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành giáo dục và đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện rõ quan điểm ưu tiên, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

“Quan điểm của Thường trực Ủy ban là dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, cũng cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục. Từ đó, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”- Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu.

Cùng với đó, các ý kiến cũng đề xuất sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, cùng với chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, bên cạnh những giải pháp trên, cần có quy định để giáo viên thụ hưởng chính sách tiền lương một cách hợp lý, ổn định, khi đó sẽ thu hút được người tài vào ngành giáo dục.

Nội dung quản lý Nhà nước về giáo dục cũng là một trọng tâm điều chỉnh khác của Dự luật. Theo đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách. Đồng thời, Dự luật thống nhất quy định về chức danh GS, PGS là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học để phù hợp với thực tiễn, làm rõ nhiệm vụ của GS, PGS là người giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Phát biểu khai mạc Phiên họp 22 của UBTV Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chương trình phiên họp có sự điều chỉnh so với dự kiến. Theo đó, không có nội dung cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành vào kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 năm nay.