Đề xuất kinh tế tư nhân xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc

Công Thọ - Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng: “Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực”.rn

Ngày 30-31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Đặt kinh tế tư nhân là động lực phát triển
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, kinh tế tư nhân là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân phát triển dưới dạng tiềm năng, chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế. Do vậy, theo Đại biểu, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân.
 Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh)
Cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững, thu hút kinh tế tư nhân, tham gia sâu vào lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc… Đại biểu Nguyễn Như So bày tỏ: “Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực”.
Cùng với đó, cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là thành phần kinh doanh nhỏ lẻ; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường. 
“Nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau”
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn có một năm thành công, cả 12 chỉ tiêu về kinh tế đều đã hoàn thành, kinh tế vĩ mô ổn định, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, tăng trưởng đạt 6%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện.
2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng đến từ khu vực chế biến chế tạo, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN, nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất châu Á.
Tuy nhiên theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu nhìn sang năm 2020, mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh thương mại giảm thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng theo ông Lộc, thực tế lại không đơn giản như vậy”.
Chủ tịch VCCI dẫn chứng 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng khoảng 1/3 của mức tăng trên 20% của những năm trước nữa. Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường cũng có những chuyển dịch bất lợi. Xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, bao gồm EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc.
Duy nhất, xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chưa đựng rất nhiều rủi ro và gian lận thương mại, về thâm nhập thương mại . 9 tháng đầu năm, ta xuất khẩu sang Mỹ gần 45 tỷ USD, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái và Việt Nam trở thành một trong sáu quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ.
“Trong khi hầu hết các quốc gia này đều bị Hoa Kỳ trừng phạt thì ai có thể bảo đảm rằng chúng ta là ngoại lệ”, ông Lộc cảnh báo. Chủ tịch VCCI cũng nêu vấn đề thu hút FDI từ các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đang giảm, trong khi tăng đột biến ở đầu Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, và đây là những nguồn FDI không bền vững.
Trước những diễn biến không thuận của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đại biểu cho rằng, để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan. Theo đại biểu, động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.
Vì vậy, sự đồng cam cộng khổ của cả hệ thống chính trị, của cả người lao động với doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh là rất quan trọng… “Nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau”.
Tránh tình trạng "đời cha ăn mặn, đời con khát nước"
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng các khoản thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí và doanh nghiệp còn thấp, chưa phản ánh đúng sự phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, sự phân bổ chi ngân sách nhà nước ở một số địa phương chưa đúng quy định, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư vẫn còn diễn ra.
Đề cập đến các vấn đề liên quan đến giao dịch bất động sản như phát triển nhà ở cho người lao động thu nhập thấp hay đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết với người mua nhà, giải quyết quyền lợi giữa các bên chủ đầu tư, nhà thầu và người dân, đại biểu Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan ngại trước tình trạng đầu cơ, thổi giá tại một số tỉnh, thành trọng điểm, gây nguy cơ đổ vỡ nền kinh tế theo hiệu ứng domino như trước đây...
“Cần tránh tình trạng đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Trước những lo ngại trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu các nguyên nhân cụ thể để sớm tìm ra giải pháp khắc phục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần