Đề xuất mở rộng đối tượng người có công

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo Hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi người có công (NCC) diễn ra sáng 17/7, nhiều đại biểu đề nghị sửa đổi Pháp lệnh và về lâu dài nên xây dựng Luật NCC.

Từng bước hoàn thiện chính sách
Chia sẻ việc thực hiện chính sách về ưu đãi NCC, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Hơn 10 năm trở lại đây, chính sách ưu đãi NCC đã từng bước được hoàn thiện. Đã có 12 diện đối tượng NCC được quy định, toàn quốc đã xác nhận trên 9 triệu NCC. Các chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng ngày càng đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt đời sống. Trong đó, trợ cấp ưu đãi khá phù hợp, đảm bảo mức sống của NCC và thân nhân, như ưu đãi về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, tín dụng…

Chăm sóc cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Kết quả tổng rà soát thực hiện chế độ, chính sách đối với NCC của các cấp các ngành cho thấy, có tới 95,75% NCC được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi; chỉ 4,16% hưởng chưa đủ và 0,09% hưởng sai chế độ, chính sách. Cả nước hiện còn khoảng 30.000 trường hợp kê khai chưa được xác nhận NCC, trong đó có 5.900 trường hợp liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Tuy nhiên, ông Diệp cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi NCC: Một số địa phương chưa chú trọng cải cách hành chính trong việc xác lập hồ sơ hưởng chế độ và quản lý NCC; Một số vấn đề trong xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho NCC chưa thống nhất. Chẳng hạn, chưa quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bị địch bắt tù đày sau 30/4/1975; chưa quy định việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%. Ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, đối với đối tượng lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa cần mở rộng căn cứ xác nhận; đồng thời cần thực hiện bảo hiểm y tế đối với thân nhân lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa còn sống. Mức trợ cấp một lần cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cần được nâng lên thay cho mức 120.000 đồng/năm kể từ năm 1995.
Pháp lệnh hay Luật?
Để việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC hiệu quả, các đại biểu cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện văn bản này, bên cạnh đó, bổ sung một số vấn đề như tiêu chuẩn xác nhận đối tượng thụ hưởng, phạm vi áp dụng, các biện pháp trợ cấp, chăm lo, giúp đỡ NCC. Để thực hiện được những vấn đề này, trước tiên phải đánh giá toàn diện chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC; xây dựng và ban hành Pháp lệnh mới thay thế Pháp lệnh hiện hành. Cũng có ý kiến đề nghị khi xây mới hoặc điều chỉnh Pháp lệnh Ưu đãi NCC cần mở rộng đối tượng NCC trong kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết: Có những ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến bị ốm đau, bệnh tật. Người tham gia bảo vệ Tổ quốc bị địch bắt, tù đày sau 30/4/1975; Anh hùng lao động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; người được Nhà nước phong tặng những danh hiệu cao quý trong lĩnh vực GD&ĐT, KH&CN, văn học và nghệ thuật, lao động và sản xuất; kể cả NCC là người Việt Nam ở nước ngoài cũng nên được bổ sung.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành còn cho rằng, những người nước ngoài đã từng giúp đỡ nước ta cũng nên xem xét có nên đưa vào đối tượng NCC. Trong giai đoạn hiện nay, một số chính sách ưu đãi NCC cần nghiên cứu sửa đổi để giải quyết đúng, trúng đối tượng, cụ thể như NCC và thân nhân được ưu đãi về nhà, đất, tín dụng, thuế… nhưng cần phải có tiêu chí cụ thể để thực hiện.
Về lâu dài, có ý kiến đề xuất, cần xây dựng Luật NCC chứ không dừng lại ở Pháp lệnh. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho hay: "Định hướng lâu dài chúng ta nên có Luật NCC, vì Hiến pháp đã quy định những gì liên quan đến quyền con người thì phải được quy định trong Luật. Cho dù Pháp lệnh hay Luật cũng phải đảm bảo 5 yếu tố: Đối tượng; điều kiện; chính sách; nguồn lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân".
Thống kê chưa đầy đủ, song qua cơ quan bảo vệ an ninh của Bộ Quốc phòng cho thấy, trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc có khoảng 600 đối tượng là người tham gia làm nhiệm vụ quốc tế, nhưng họ lại chưa có chế độ chính sách, vì thế cần bổ sung thêm đối tượng này.
Đại tá Ngô Quang Phúc  Phó Tổng cục trưởng Cục Chính sách quân đội