Đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu: Nhà đầu tư nhỏ "ngậm ngùi' đứng ngoài cuộc chơi lớn

Minh Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu, rồi đề xuất lên 1.000 cổ phiếu đang là giải pháp được sàn HOSE coi là cứu cánh trong việc giải quyết tình trạng liên tục nghẽn lệnh thời gian qua. Tuy vậy, các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại đang cảm thấy bức xúc với đề xuất trên.

 Nhà đầu tư nhỏ lẻ ''tủi thân'' trước đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu
Mở đường cho những tầm cao mới?
Phiên giao dịch ngày 3/3, thị trường chứng khoán (TTCK) ghi nhận tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Đây cũng là phiên đầu tiên sau khi HOSE cho biết, đang khảo sát nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu để giảm tải cho hệ thống. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thận trọng khi xuống tiền vì lo ngại các mã bluechip với lượng dưới 1.000 đơn vị, nếu HOSE áp dụng quy định kể trên thì họ bị kẹt lại không thể giao dịch lô cổ phiếu dưới 1000.

Trở lại câu chuyện của TTCK thời gian gần đây, "rút phích điện" hay nghẽn lệnh là cụm từ được quan tâm nhất. Chưa khi nào TTCK lại liên tục xảy ra nghẽn lệnh cục bộ thường xuyên như thời gian gần đây. Hiện tượng nghẽn lệnh diễn ra từ trước Tết Nguyên đán và sau Tết, ở ngưỡng thanh khoản 14.000 - 17.000 tỷ đồng. Hệ thống “bất ổn” dẫn đến nhà đầu tư đang chịu thiệt hại đơn, thiệt hại kép và bắt buộc phải “sống chung với lỗi” một cách đầy bức xúc.

Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra một số giải pháp, trong đó có việc nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô trên HOSE. Thời điểm có quyết định trên, ông Lê Hải Trà là người phụ trách Hội đồng quản trị HOSE. Mặc dù việc được áp dụng ngay từ phiên giao dịch đầu năm (4/1), tình trạng quá tải trên hệ thống tiếp tục diễn ra.

Nhà đầu tư lại bức xúc, và để trấn an nhà đầu tư, mới đây ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HOSE tiếp tục chia sẻ về khả năng nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu tại HOSE lên 1.000 cổ phiếu.

Đưa ra những lý giải cho đề xuất trên, như: HOSE tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả; Theo tính toán của HoSE, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40 - 50% tổng số lượng lệnh giao dịch.  Đặc biệt, vị Tổng Giám đốc HOSE còn nhận định việc nâng lô lên 1.000 "có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp".

Cũng theo lãnh đạo HoSE, trong tương lai, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, sẽ có bảng giao dịch lô lẻ và nhà đầu tư có thể quay trở lại lô 100 như hiện nay.
Khép chặt cửa chạm vào các cổ phiếu tốt?

Với những lý giải trên thì có vẻ nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể yên tâm với sự ổn định trong tương lai của thị trường, nhưng thực tế họ lại đang cảm thấy "tủi thân" và "bấp bênh". Với họ thuật ngữ "mở đường cho những tầm cao mới" rất mơ hồ và xa vời.

"Nếu như nâng lô từ 100 lên 1.000 cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ khó để có thể giao dịch. Với tài khoản đầu tư chứng khoán chỉ vài chục triệu đồng sẽ khó có thể mua các bluechip có chất lượng tốt trên sàn như VNM, MWG, VIC, VJC, VCB...", một nhà đầu tư trên HOSE chia sẻ. Và cho biết thêm, với lô giao dịch tối thiểu 100 cổ phiếu thì nhà đầu tư nhỏ chỉ cần bỏ ra khoảng một vài chục triệu đồng có thể mua được những cổ phiếu này. Tuy nhiên, nếu nâng lên 1.000 cổ phiếu thì số tiền tối thiểu phải bỏ ra lên đến hàng trăm triệu đồng mới mua được. Đây là con số lớn đối với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Như vậy đẩy họ vào những cổ phiếu kém chất lượng.

Bên cạnh đó, thông tin "tham khảo thông lệ quốc tế" của lý giải nâng lô cũng đang được các nhà đầu tư tranh cãi. Bởi chưa có 1 báo cáo hay tổng hợp chính thức nào. Thậm chí các nhà đầu tư còn đưa ra những dẫn chứng ngược lại. Như vậy dù việc nâng lô giao dịch tối thiểu nêu trên mới chỉ là đề xuất, cơ quan quản lý cũng chưa thấy nêu quan điểm, nhưng rõ ràng đang có tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo thống kê, thị giá bình quân của cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE khoảng cuối tháng 2/2021 là 29.000 đồng/cp. Trong đó, có 11 cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/cp. Nếu như việc nâng lô chẵn lên 1.000 cổ phần được áp dụng, đồng nghĩa với việc các tài khoản của nhà đầu tư sẽ phải có trên 100 triệu đồng để có thể giao dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần