Đề xuất nâng mức trợ cấp với người cao tuổi

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật. Nhiều ý kiến đề nghị cần giảm độ tuổi người nhận trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, cũng như nâng cao mức trợ cấp hàng tháng.

Chi trả lương hưu tại xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Vũ Nhung
Tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến 31/12/2018 cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi (chiếm 11,95% dân số), trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,5% tổng số người cao tuổi), khoảng 5,7 triệu người cao tuổi nữ (chiếm khoảng 50,7%), khoảng 7,2 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 65%), người cao tuổi, người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước.
Đồng thời, cả nước đã thành lập được 418 cơ sở trợ giúp xã hội (189 cơ sở công lập và 229 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 86 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 67 cơ sở chăm sóc người khuyết tật. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật với công suất phục vụ khoảng 20.000 đối tượng… Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng thừa nhận, thực tế một số địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi, nhiều nơi còn coi công tác người cao tuổi chỉ là hoạt động phong trào, nhân đạo, từ thiện...
“Có xem người tự kỷ là người khuyết tật không?”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, gần đây ở các địa phương có 2 đối tượng gia tăng nhanh là người bị tự kỷ và người bị tâm thần. Bộ trưởng khẳng định, người tự kỷ được xem là người khuyết tật. Bộ LĐTB&XH đã đưa vào Thông tư 01/2019. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn mới quá nên có thể việc triển khai xuống một số cơ sở còn chưa tốt. Vì vậy, thời gian tới Bộ sẽ chú trọng quan tâm đến vấn đề này.

Các ý kiến tại phiên giải trình cũng chỉ ra, đời sống của người cao tuổi và người khuyết tật còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước trong khi mức trợ cấp xã hội còn thấp, chỉ bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% so với chuẩn nghèo nông thôn. Bên cạnh đó, rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại cho người khuyết tật là một trong những vấn đề khó khắc phục, nhất là khu vực đô thị... Theo các đại biểu, việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật còn thấp. Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng, chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng với người đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội từ 270.000 - 810.000 đồng/người/tháng là quá thấp. “Qua đi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến phản ánh người cao tuổi, khuyết tật đều là những người khó khăn, người nghèo. Do đó đề nghị người dưới 80 tuổi cũng được hưởng chính sách trợ cấp xã hội, đồng thời cần nâng mức trợ cấp lên vì từ năm 2014 đến nay dù thu nhập bình quân đầu người tăng lên song mức trợ cấp vẫn ở mức cũ” - bà Đỗ Thị Lan cho hay.

Đồng tình với đề xuất của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ sớm báo cáo Chính phủ xem xét vấn đề này. Bộ trưởng cũng nhất trí việc cần xem xét giảm độ tuổi người cao tuổi từ 80 hiện nay xuống 75. Đồng thời, sớm nghiên cứu, ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và Đề án người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 bao gồm các giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, phát huy vai trò của người cao tuổi theo hướng tạo điều kiện để người cao tuổi còn khả năng lao động được tham gia làm việc.