Đề xuất ngân sách trị giá 4,8 ngàn tỷ USD của Nhà Trắng khó qua “cửa” Quốc hội

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch ngân sách năm 2021 tăng 700 tỷ USD so với tài khóa năm 2018 và tăng thêm hàng tỷ USD cho quốc phòng cùng với giảm mạnh viện trợ nước ngoài.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/2 (giờ địa phương) đã công bố đề xuất gói ngân sách cho năm 2021 trị giá 4.800 tỷ USD, trong đó bao gồm các khoản cắt giảm chi tiêu trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Giới quan sát đánh giá đề xuất ngân sách của ông Trump cho tài khóa 2021 có thể sẽ khó được các nghị sỹ quốc hội, đặc biệt thuộc đảng Dân chủ chấp thuận, xung quanh các đề xuất giảm chi cho hoạt động hỗ trợ nước ngoài và các chương trình đảm bảo an sinh xã hội.
Ngân sách mới cho năm tài chính 2021 (bắt đầu từ ngày 1/10/2020) bao gồm 740,5 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, 590 tỷ USD cho ngân sách phi quốc phòng và 3,5 nghìn tỷ USD cho các khoản chi tiêu an ninh xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản chi tiêu khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/2 (giờ địa phương) đã công bố đề xuất gói ngân sách cho năm 2021 trị giá 4.800 tỷ USD, 
Theo đề xuất gói ngân sách cho năm 2021, Nhà Trắng dự định cắt giảm chi tiêu trị giá tới 181 tỷ USD trong vòng 10 năm đối với một loạt chương trình như hỗ trợ trả nợ cho sinh viên, nhà ở, tem thực phẩm và bảo hiểm y tế Medicaid, cho thấy nỗ lực trong năm bầu cử của Tổng thống Trump tiếp tục co lại cho mạng lưới an toàn liên bang.
Trước đó, ông Trump đã viết dòng tweet hôm 8/2 cam kết rằng kế hoạch ngân sách cho tài khóa 2021 sẽ không bao gồm việc cắt giảm nguồn chi cho chương trình An sinh xã hội cũng như Medicare.
Tuy nhiên, đề xuất trình Quốc hội hôm 10/2 lại bao gồm việc cắt giảm chi tiêu cho chương trình Medicaid lên tới khoảng 920 tỷ USD trong vòng 10 năm. Nếu đề xuất ngân sách được Quốc hội thông qua, các nhà phê bình cảnh báo điều này sẽ làm giảm hiệu quả tài trợ cho hàng chục chương trình phúc lợi xã hội.
Dự toán ngân sách 2021 cũng tiết kiệm các khoản chi cho các chương trình an sinh xã hội, bao gồm 130 tỷ USD trong chương trình bảo hiểm y tế Medicare thông qua các cải cách về định giá thuốc, 292 tỷ USD cho tem phiếu thực phẩm và các chương trình trợ cấp tài chính y tế Medicaid bằng cách ban hành các yêu cầu mới đối với những người thụ hưởng, và 70 tỷ USD thông qua việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện thụ hưởng trợ cấp của chính phủ dành cho người khuyết tật.
Theo đề xuất trên, khoản chi tiêu quốc phòng tăng lên 740,5 tỷ USD bao gồm việc tăng kinh phí cho nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với chiến tranh trong tương lai.
Tuy nhiên, các khoản chi tiêu trong nước lại bị cắt giảm thông qua những thay đổi đối với các chương trình liên bang.
Theo đó, ngân sách chi cho Bộ Thương mại giảm 37%, Cơ quan Bảo vệ Môi trường giảm 26%, Bộ Phát triển Nhà và Đô thị 15%, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh 9%, Bộ Giáo dục 8%, Bộ Nông nghiệp 8%, Bộ Ngoại giao và viện trợ nước ngoài 21%, Bộ Lao động 11% và Bộ Năng lượng 8%.
Đề xuất ngân sách của ông Trump kêu gọi giảm 21% các khoản hỗ trợ nước ngoài từ mức 55,7 tỷ USD cho tài khóa 2020 xuống 44,1 tỷ USD tài khóa 2021.
John Yarmuth, thành viên đảng Dân chủ và Chủ tịch Ủy ban ngân sách Hạ viện, nói rằng đề xuất ngân sách của Tổng thống Trump  bao gồm những thay đổi mang tính hủy diệt, khi gia hạn cắt giảm thuế cho các triệu phú và tập đoàn giàu có.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã gọi đề xuất ngân sách năm 2021 của Nhà Trắng rõ ràng là “một kế hoạch vô cùng giá trị”, đồng thời nhấn mạnh: “Thêm một lần nữa, ngân sách của Tổng thống Trump thể hiện rõ ràng rằng ông rất coi trọng sức khỏe, an ninh tài chính và hạnh phúc của các gia đình lao động chăm chỉ ở Mỹ”.
Với dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, Nhà Trắng dự kiến thu ngân sách tài khóa 2021 sẽ vào khoảng 3.700 tỷ USD.
Tổng thống Trump cho biết với đề xuất ngân sách ngân sách này, ông sẽ đưa thâm hụt ngân sách của Mỹ về mức 0 vào năm 2035, mặc dù dự báo thâm hụt ngân sách của Mỹ năm 2020 là 1 nghìn tỷ USD và năm 2021 là 966 tỷ USD.
Các nhà phân tích kinh tế nhận định khả năng này sẽ khó xảy ra nếu kế hoạch ngân sách được thông qua, vì mục tiêu này đặt ra yêu cầu kinh tế Mỹ phải đạt tốc độ tăng trưởng 3% trong 5 năm, điều mà Nhà Trắng đã không đạt được kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Đề xuất ngân sách cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump cho thấy các ưu tiên trong chính sách của ông trong năm đầu của nhiệm kỳ thứ hai nếu như ông tái đắc cử, tuy nhiên cũng dự báo một cuộc chiến ngân sách với Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát vào cuối năm nay.
Các nghị sỹ đảng Dân chủ được dự đoán sẽ phản đối việc cắt giảm sâu đối với các chương trình trong nước, trong khi các nghị sỹ đảng Cộng hòa có thể sẽ đặt ra những lo ngại về vấn đề nợ và thâm hụt ngân sách./.