Đề xuất phạm vi và diện tích đất dự phòng của sân bay Quảng Trị chưa đủ cơ sở

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định, đề xuất phạm vi và diện tích đất dự phòng cho phát triển cảng hàng không (CHK) Quảng Trị sau năm 2030 của Cục Hàng không Việt Nam là chưa đủ cơ sở xem xét, phê duyệt.

 Dự án CHK Quảng Trị nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua (Ảnh: Hòa Thắng).
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong văn bản liên quan đến quy hoạch CHK Quảng Trị mà Bộ GTVT vừa gửi tới Cục Hàng không Việt Nam.
Phải xem lại phạm vi và diện tích quỹ đất dự phòng
Trong văn bản gửi đi, Bộ GTVT cho biết, đã nhận được Tờ trình số 2946 của Cục Hàng không Việt Nam về việc phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 và văn bản tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch.
Theo đó, diện tích quy hoạch tổng thể cảng hàng không Quảng Trị là hơn 594ha, trong đó bao gồm diện tích quy hoạch công trình hàng không là hơn 316ha, diện tích đất dự phòng cho phát triển sau năm 2030 là hơn 278ha.
Bộ GTVT cho rằng, nghiên cứu hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 cho thấy việc Cục Hàng không Việt Nam đề xuất phạm vi và diện tích đất dự phòng cho phát triển cảng hàng không sau năm 2030 là chưa đủ cơ sở xem xét, phê duyệt.
“Bộ GTVT đề nghị Cục Hàng không Việt Nam rà soát, nghiên cứu và xem xét lại nội dung đề xuất diện tích đất dự phòng cho phát triển cảng hàng không cho phù hợp” – Bộ GTVT khẳng định.
Trước đó, trong bản quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn định hướng đến năm 2030 gửi lên để Bộ GTVT phê duyệt, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất quy hoạch tại xã Gio Quang và Gio Mai, huyện Gio Linh, cách TP Đông Hà khoảng 7km một cảng hàng không nội địa cấp 4C, dùng chung dân dụng và quân sự.
Đường cất, hạ cánh tại đây sẽ có kích thước 2.400m, rộng 45m, kết cấu đường đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương. Cùng đó, sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối và sân đỗ máy bay đảm bảo cho 5 vị trí đỗ tàu bay.
Nhà ga hành khách được quy hoạch tại khu vực phía Nam sân đỗ tàu bay dân dụng, có 2 cao trình, công suất 1 triệu khách/năm, có đất dự trữ mở rộng quy hoạch xây thêm khi có nhu cầu... Theo tính toán, để xây dựng mới Cảng hàng không Quảng Trị đáp ứng quy mô quy hoạch nói trên cần khoảng 8.014 tỷ đồng; nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, PPP.
 Chủ sở hữu hãng bay Bamboo Airways từng đề xuất đầu tư dự án CHK Quảng Trị (Ảnh: Lê Thanh).
Có thể xã hội hóa dự án Cảng hàng không Quảng Trị?
Một trong những chi tiết đáng chú ý là vào tháng 9/2020 từng có thông tin về việc Tập đoàn FLC đề xuất với tỉnh Quảng Trị về việc tham gia đầu tư dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Hiện tại, Tập đoàn FLC với tư cách là nhà đầu tư chiến lược đã và đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Trị.
Trong văn bản gửi Ban Thường vụ và UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn FLC cho biết, lĩnh vực hàng không được xác định là mục tiêu mũi nhọn của tập đoàn này trong năm 2020 cũng như kế hoạch 5 năm 2020-2025. Do đó, Tập đoàn FLC chính thức đề xuất xin được tham gia nghiên cứu, đầu tư dự án CHK Quảng Trị.
Tập đoàn FLC đánh giá, dự án này nếu được thông qua, sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải, tạo động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, thúc đẩy phát triển du lịch, khai thác tiềm năng lợi thế một tỉnh ven biển có chiều dài bờ biển 75km, thu hút đầu tư vào khu kinh tế trọng điểm, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Quảng Trị, đặc biệt là du lịch tâm linh.
TS Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không cho rằng, để huy động nguồn vốn tư nhân vào lĩnh vực cảng hàng không hiện nay tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, do thiếu những quy định pháp luật, hướng dẫn cụ thể và sự quan tâm của nhà đầu tư, người dân.
Theo chuyên gia hàng không này thì thời gian tới, Việt Nam cần bổ sung các quy định mới, rõ ràng, công khai minh bạch về điều kiện pháp lý nhằm bảo đảm tính lâu dài, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Từ đó mới có thể thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Đồng quan điểm trên, Chuyên gia hàng không Trịnh Như Long cũng cho rằng, xã hội hoá, huy động các nguồn lực đầu tư cho hàng không rất cấp thiết. Khi nhà nước không đủ tiền mà tư nhân làm được, xã hội làm được thì hoàn toàn có thể chuyển giao. Thay vì nghĩ mở đến đâu, hãy nghĩ làm như thế nào để xã hội có lợi nhất.

Cảng hàng không Quảng Trị là một trong 28 cảng hàng không nội địa đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2020 - 2030 theo Quyết định số 236/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là cảng hàng không có quy mô hàng không dân dụng cấp 4C, diện tích sử dụng đất 312ha.