Đề xuất Quốc hội giám sát tối cao về vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em”, là một trong 3 nội dung chuyên đề được đề xuất đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2020.

Sáng 16/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về nội dung giám sát của Quốc hội năm 2020.
Trình bày Báo cáo về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị, đề xuất theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Đồng thời, rà soát những nội dung kiến nghị đề xuất này với những nội dung có liên quan đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký đã lựa chọn 7 nhóm nội dung và gửi xin ý kiến và thống nhất đề nghị Quốc hội giám sát 1 chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 1 chuyên đề.
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Ảnh. Quochoi.vn
Về nội dung chuyên đề giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 nội dung chuyên đề và đề nghị xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề để báo cáo Quốc hội. Đó là các nội dung: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em”; “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA)” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải”.
Tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị lựa chọn 2 chuyên đề thứ nhất và thứ 2. Trong đó, đề nghị Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề thứ nhất, nhưng khoanh hẹp phạm vi trong lĩnh vực tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đều cho rằng: Tình trạng bạo lực học đường, xâm phạm tình dục trẻ em đang nổi lên, khiến xã hội rất bức xúc. Trong điều kiện các ngành, các cấp đang gấp rút chuẩn bị Đại hội Đảng, khối lượng các công việc khác rất lớn, phạm vi giám sát nên lựa chọn chủ đề cụ thể là việc xử lý các loại tội phạm xâm hại trẻ em liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đồng thời, đề nghị giao cho Ủy ban Tư pháp chủ trì vấn đề này, có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.
"Tôi cũng nhất trí nội dung giám sát việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, bởi sau một thời gian thực hiện các hiệp định, các kết, chúng ta hội nhập, thì cần đánh giá một cách toàn diện", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu
Về giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng đề nghị lựa chọn chuyên đề thứ hai (Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA).
Ngoài ra, như thông lệ, Quốc hội tiến hành xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo… Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn vẫn được tiến hành bình thường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần