Đề xuất sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh đã thuyết phục?

TS. Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh như một gải pháp giảm gánh nặng chi ngân sách cho bộ máy hành chính đang quá lớn, đã được đặt ra từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017. Khi đó, theo ý kiến đề xuất của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), chúng ta có thể sáp nhập được khoảng 10 tỉnh có quy mô dân số thấp.

Vấn đề sáp nhập tỉnh lại được tiếp tục đặt ra tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018, qua đề xuất của đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội sáng 26/10. Liệu đề xuất đó của một số đại biểu Quốc hội đã thuyết phục?
 Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu)

So sánh chưa tương đồng

Các ý kiến đề xuất sáp nhập tỉnh của một số đại biểu Quốc hội đều trên cơ sở đánh giá thành công của việc sáp nhập Hà Nội, Hà Tây (gọi tắt là sáp nhập Hà Nội), và coi đây như bài học kinh nghiệm. Ở đây cần khẳng định ngay việc sáp nhập Hà Nội không đặt mục tiêu trực tiếp là cắt giảm bộ máy hành chính mà để thực hiện mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Việc sáp nhập Hà Nội để nước ta xây dựng một Thủ đô có không gian đủ lớn để phát triển trong tương lai xa, có tiềm năng phát triển để đáp ứng mọi yêu cầu về đất đai, dân số, cơ sở hạ tầng, môi trường, cảnh quan và du lịch, an ninh quốc phòng, phù hợp tầm vóc Thủ đô của một quốc gia có dân số trên 100 triệu người. Chính vì vậy, ngoài địa giới hành chính tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) cũng được sáp nhập vào Hà Nội.

Do tầm quan trọng nên theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính Phủ và các cơ quan Trung ương đã đặc biệt hỗ trợ mọi nguồn lực cho quá trình chuẩn bị, triển khai sáp nhập và xử lý khó khăn, hệ lụy hậu sáp nhập Hà Nội.

Đến nay, thành phố Hà Nội chưa công bố cụ thể tổng chi ngân sách cho việc sáp nhập Hà Nội, song chắc chắn tiêu tốn ngân sách vào đây là hàng ngàn tỷ đồng. Một điều thuận lợi cho sáp nhập Hà Nội thành công, là có sự đồng thuận cao của người dân được sáp nhập vào Hà Nội vì họ sẽ trở thành công dân Thủ đô. Sáp nhập để có một không gian đô thị mới rộng hơn là cơ hội tạo chỗ ở, việc làm cho người dân đang bị dồn nén tại các quận nội thành Hà Nội đã trở nên quá chật hẹp.

Nói một cách tổng quát, thành công của sáp nhập Hà Nội là thành công về một quyết tâm chính trị, của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị. Thử hỏi, giả sử các tỉnh nào đó tiến hành sáp nhập có thuận lợi như việc sáp nhập Hà Nội? Đặt vấn đề như vậy cho thấy, lấy việc thành công của sáp nhập Hà Nội để đề xuất sáp nhập các tỉnh là chưa tương đồng về mục tiêu, điều kiện nguồn lực và sự đồng thuận của dân cư.
 Một góc Hà Nội trên cao. Ảnh: Hồng Hạnh
Tại sao nhập rồi lại tách

Lịch sử đơn vị hành chính nước ta đã có nhiều lần nhập tách các tỉnh. Năm 1976, chúng ta quyết định sáp nhập hàng loạt tỉnh thành lớn. Lúc ấy việc sáp nhập được thực hiện một cách khá nhanh vì đây là mệnh lệnh hành chính từ Trung ương.

Việc sáp nhập mang nặng tính hành chính và cơ học này dần bộc lộ hệ lụy nhiều mặt về kinh tế - xã hội, nên đến năm 1989 và tiếp tục các năm 1991, 1996, 1997 và 2004, toàn bộ các tỉnh sáp nhập trước đó đều tách ra như cũ. Có tỉnh như Hà Nam Ninh phải tách đến hai lần, năm 1991 tách thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, tiếp đến năm 1996 tỉnh Nam Hà lại tách thành 2 tỉnh là Nam Định và Hà Nam.

Về lý thuyết, việc tách tỉnh lớn thành các tỉnh nhỏ rõ ràng làm phân tán tiềm năng và nguồn lực phát triển, làm gia tăng biên chế và do đó làm tăng gánh nặng chi ngân sách. Nhưng sao chúng ta vẫn quyết định tách? Đương nhiên có lý do của nó phát sinh trong thực tiễn hậu sáp nhập, đó là:

Thứ nhất, đối với một tỉnh lớn thực tiễn đòi hỏi phải có những nhà lãnh đạo, quản lý tầm cỡ, có tư duy vượt trội so với ở tỉnh nhỏ, khi đó mới đủ khả năng giải quyết tốt các cân đối về nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh nhỏ khó đủ khả năng lãnh đạo một tỉnh lớn tốt được. Việc cử lãnh đạo một tỉnh nhỏ để lãnh đạo tỉnh lớn hậu sát nhập với tư duy “cờ đến tay, ai cũng phất được” là chưa thuyết phục trong cuộc sống.

Thứ hai, do tỉnh lớn có địa bàn lãnh thổ và quy mô dân số lớn đã gây những khó khăn đáng kể, hạn chế hiệu quả quản lý kinh tế, xã hội và trật tự an ninh. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đã cho phép giải quyết khó khăn về không gian quản lý đối với một tỉnh có địa bàn rộng. Nhưng rõ ràng nó không thể khắc phục được tất cả. Cho dù có thể áp dụng quản lý thông qua mạng Internet, hay qua mạng trực tuyến đi chăng nữa thì các nhà lãnh đạo chính quyền không thể không bám sát với cơ sở. Xa rời cơ sở và người dân trong quản trị địa phương là nguồn cơn của tệ nạn quan liêu, hách dịch của cán bộ chính quyền.

Thứ ba, muốn hay không việc sát nhập tỉnh đã làm nảy nở tư duy cục bộ địa phương. Khi “chủ nghĩa cục bộ địa phương” được tiếp sức bởi sức mạnh của “chủ nghĩa cục bộ dòng họ, gia tộc” ắt tạo ra “chủ nghĩa vun vén” tột độ mà các điều luật, chuẩn mực xã hội khó cản trở. Hệ lụy của nhập tỉnh không chỉ gây mất công bằng giữa các địa phương sáp nhập mà nguy hiểm hơn, nó tạo ra sự mất đoàn đoàn kết âm ỉ, tác động lâu dài cho mọi kỳ vọng phát triển. Bây giờ, “tư duy nhiệm kỳ” được tiếp sức bởi “tư duy cục bộ”, thử hỏi “tư duy phát triển” còn có không?

Thứ tư, sáp nhập tỉnh là sự hòa nhập giữa cộng đồng người dân tỉnh này với người dân tỉnh khác, đòi hỏi có sự tương đồng trong tương tác của văn hóa vùng miền, có sự chuẩn bị về tâm lý trên cơ sở đồng thuận của người dân. Sáp nhập tỉnh theo mệnh lệnh hành chính là “ép hôn” đương nhiên dẫn đến hệ lụy khó khăn cho quản trị xã hội.
 Một khu đô thị mới đang được xây dựng và hoàn thiện ven Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức. Ảnh: Phạm Hùng

Thứ năm, cho đến nay chúng ta chưa có một nghiên cứu độc lập để đánh giá, đo đếm đầy đủ, toàn diện các vấn đề được và mất của việc tách tỉnh. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy các tỉnh được tái lập đều có xu hướng phát triển tốt hơn nhiều. Một số tỉnh trong đó đã năng động khai thác tốt tiềm năng lợi thế ngồn lực để phát triển mạnh các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhờ vậy trở thành những tỉnh có tổng thu ngân sách nhà nước thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Năm 2016, trong nhóm 13 tỉnh thành có dự toán thu chi ngân sách tự chủ và có đóng góp cho Trung ương, điểm mặt có đến 7 tỉnh thuộc các tỉnh tái lập như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Dương và Cần Thơ.

Hà Tĩnh là tỉnh thuộc nhóm tỉnh nghèo nhất nước sau khi tách ra từ Nghệ Tĩnh nhưng đến nay đã trở thành một tỉnh thuộc câu lạc bộ thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng, gần cân đối được ngân sách. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa là một tỉnh có diện tích rộng nhất nước, có tiềm năng và lợi thế, có đầy đủ cảng biển, sân bay, ga đường sắt, quốc lộ... nhưng không thể cân đối được ngân sách mà trở thành một tỉnh xin trợ cấp ngân sách Trung ương lớn nhất. Những điều trên cho thấy tách tỉnh là tốt hơn nhập tỉnh.

Có giảm gánh nặng chi ngân sách?

Nếu “bấm theo cơ học” của việc nhập tỉnh, rõ ràng sáp nhập tỉnh sẽ giảm được biên chế bộ máy hành chính cấp tỉnh và do đó sẽ giảm chi ngân sách cho hoạt động của bộ máy này. Tuy nhiên, đó chỉ là sự ngộ nhận lý thuyết theo cách tính đơn giản, chẳng hạn 2 sở nhập thành 1 sở, sẽ giảm 1 cấp trưởng, từ 1-2 cấp phó và một số nhân viên. Khi đó thử hỏi giải quyết ra sao số người dôi dư. Cần bao nhiêu ngân sách để giải quyết việc sắp xếp, giải quyết chế độ cho số người này?

Ngay cả việc sáp nhập Hà Nội không phải mục tiêu trực tiếp để cắt giảm biên chế bộ máy như nói ở trên, song việc sáp nhập đương nhiên dư ra một số biên chế phải cắt giảm. Nhưng đã 10 năm sáp nhập, Hà Nội vẫn chưa sắp xếp hoàn chỉnh cán bộ dôi dư. Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: "Việc sáp nhập hai địa phương vào thì số lượng cán bộ bị dư ra và phải giải quyết dần dần chứ không phải làm một lúc được ngay”.

Cho dù có giảm được biên chế, theo đó giảm được chi ngân sách trong tương lai hậu sáp nhập, thì hệ lụy sẽ làm gia tăng các mục chi ngân sách khác để giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư, cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, cơ sở dịch vụ công do đòi hỏi của quá trình đô thị hóa của tỉnh mới có quy mô lớn hơn. Vì vậy, ta nói giảm chi ngân sách cho bộ máy thì phải tính trên cơ sở khi đã loại trừ số tăng chi cho các khoản mục khác phát sinh do sáp nhập tỉnh. Chúng ta chưa có một bài tính căn cơ thì khoan vội cho rằng sáp nhập tỉnh là giải pháp quan trọng để giảm chi ngân sách.