Đề xuất tăng giờ làm thêm: Doanh nghiệp muốn, người lao động lo

Theo Baohaiquan.vn
Chia sẻ Zalo

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa đề xuất nâng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm vào dự thảo lần hai Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tuy nhiên, theo nhiều người lao động, họ không mong muốn làm thêm vì làm đủ ca đã rất mệt, nhưng vì thu nhập thấp không đủ sống nên phải làm thêm giờ. Đề xuất này cũng khiến nhiều người lo ngại về sức khỏe của người lao động.
Quỹ thời gian lao động đã rất cao
Tại dự thảo lần hai Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm của người lao động không quá 12 giờ/ngày, nâng tổng số giờ làm thêm trong một năm lên tối đa 400 giờ. Dự thảo cũng bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ theo tháng và khống chế số giờ làm thêm theo ngày. Theo Điều 106 của Bộ luật Lao động 2012 hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và một năm không quá 200 giờ. Trường hợp đặc biệt thì thời gian làm thêm trong một năm không vượt quá 300 giờ.
 Hiện số giờ làm thêm ở Việt Nam đã ở mức cao so với khu vực. Ảnh: Bùi Nụ.
Tuy nhiên, ngày từ tháng 12/2016, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị cần tăng giờ làm thêm tối đa và bỏ giới hạn trần số giờ làm thêm để đáp ứng được nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và nhu cầu tăng thêm thu nhập của người lao động. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu chủ yếu mang tính mùa vụ, nên có những thời kỳ người lao động phải làm việc nhiều hơn để kịp tiến độ đơn hàng nhưng cũng có những thời kỳ người lao động làm cầm chừng, không làm thêm để chờ đơn hàng mới. Vì vậy, mỗi khi phải đáp ứng đơn hàng mới, các doanh nghiệp phải thuê thêm lao động và phải tuyển trước đó vài tháng, gây lãng phí, tốn kém không cần thiết, chưa kể một bộ phận văn phòng phải làm khối lượng công việc rất lớn trong việc tuyển dụng, trả lương, quản lý những người làm việc mới…
Bên cạnh ý kiến đồng tình cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm sẽ không giúp làm tăng năng suất lao động bởi trên thực tế, năng suất lao động còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như môi trường làm việc, trang thiết bị máy móc… Trong khi đó, hiện số giờ làm thêm ở Việt Nam đã ở mức cao so với khu vực bởi theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu cộng thêm với thời giờ làm thêm là 400 giờ/năm thì tổng quỹ thời gian làm việc trung bình của người lao động Việt Nam có thể lên đến 2.720 giờ/năm. Báo cáo của ILO cũng chỉ rõ, các doanh nghiệp ở Indonesia được phép huy động người lao động làm thêm tới 728 giờ/năm, nhưng họ chỉ làm việc 40 giờ/tuần nên cộng cả thời gian làm việc tối đa và làm thêm tối đa thì quỹ thời gian làm việc của người lao động nước này là 2.608 giờ/năm (thấp hơn ở Việt Nam 112 giờ). Tương tự, ở Hàn Quốc chỉ có 2.446 giờ/năm và Trung Quốc là 2.288 giờ/năm. Như vậy, có thể nói thực chất quỹ thời gian làm việc của người lao động Việt Nam đang ở mức cao.
Lao động chấp nhận tăng ca là bước đường cùng
Khi được hỏi về đề xuất dỡ bở khung trần giờ làm thêm và tăng số giờ làm thêm lên 400 giờ, nhiều lao động đã tỏ ra khá lo ngại về sức khỏe. Theo chị Cấn Thị Thùy (Phúc Thọ, Hà Nội), hiện đang làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, việc tăng giờ làm thêm có thể giúp người lao động tăng thêm thu nhập nhưng cũng khiến sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng. Bởi hiện nay, với tính chất làm việc theo dây chuyền công nghiệp, một lao động sẽ phải đứng làm việc liên tục trong một thời gian dài mới đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của công việc. Điều này khiến lao động căng thẳng, dẫn tới mệt mỏi, suy giảm sức khoẻ, từ đó giảm hiệu suất và tăng nguy cơ gây tai nạn lao động. Bên cạnh đó, việc chăm lo cho gia đình cũng bị ảnh hưởng bởi thời gian và sức khỏe không cho phép.
Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đơn vị đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động cũng không đồng ý với đề xuất tăng thời gian làm thêm của Bộ LĐ-TB&XH. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn tiến hành trên 2.550 lao động (hơn 62% lao động nữ), trong đó trực tiếp lấy ý kiến của gần 1.400 lao động thuộc 70 doanh nghiệp và điều tra ngoài khu trọ với gần 1.200 lao động thuộc hơn 20 doanh nghiệp trong các ngành công thương, nông nghiệp, khai khoáng trong cả nước, nhiều lao động muốn làm thêm giờ chỉ vì lương không đủ sống.
Cụ thể, những lao động này đều cho biết, thực ra họ không mong muốn làm thêm vì làm đủ ca đã mệt , nhưng vì thu nhập thấp không đủ sống nên phải làm. Thậm chí, khoảng 20% lao động nữ còn cho biết họ muốn được giảm giờ làm thêm, giảm tuổi nghỉ hưu.
Khảo sát này cũng cho thấy có tới 97% doanh nghiệp muốn tăng thời gian làm thêm của người lao động. Đáng chú ý, ngành may là điển hình của tình trạng tăng ca nhiều. Cụ thể, thời gian tăng ca trung bình từ 47-60 giờ/tháng (trong khi theo quy định là 30 giờ/tháng). Như vậy, tính trung bình các doanh nghiệp đã cho làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm…Tuy nhiên, trung bình thu nhập từ tăng ca của họ chỉ là hơn 1.336.000 đồng/người/tháng, chiếm khoảng 22,4% tổng thu nhập.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, lao động chấp nhận tăng ca là bước đường cùng, vì thu nhập hiện nay không đủ sống. Ngoài lương cơ bản khoảng 3,5 - 4 triệu đồng, cộng thêm khoảng 1 triệu đồng tiền tăng ca, 50.000 đồng tiền hỗ trợ chỗ ở, tiền đi lại... mỗi tháng lao động thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Thu nhập này là không đủ sống bởi vậy lao động miễn cưỡng tăng ca để thu nhập tăng hơn một chút. Tuy nhiên, hệ lụy tới sức khoẻ là rất lớn.
Bên cạnh đó, các ngành nghề có môi trường làm việc đặc biệt như khai khoáng, mỏ, làm việc trong các điều kiện khắc nghiệt và có môi trường làm việc không an toàn thì việc tăng giờ làm thêm sẽ khiến lao động bỏ nghề nhiều hơn vì sẽ khiến lao động bị kiệt quệ, không còn sức lao động. Lao động sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh tật về cơ xương khớp, tim mạch, sức khoẻ tâm thần...