Đề xuất tăng phí 49 dự án BOT giao thông: Không có cơ sở

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt bất cập liên quan đến các dự án BOT giao thông chưa được xử lý thì Bộ GTVT lại bất ngờ đề xuất tăng phí cho 49 dự án đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu.

 BOT T2 Cần Thơ - An Giang cũng rơi vào tình trạng tương tự trong thời gian gần đây.
Đề xuất tăng phí BOT nằm trong bản dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ, về việc sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu, tại các dự án BOT, đang được Bộ GTVT gửi 5 bộ Tài chính, KH&ĐT, Xây dựng, Tư pháp, Công an và 17 địa phương liên quan lấy ý kiến để hoàn thiện.
Không tăng phí sẽ khó kêu gọi đầu tư?

Trong bản dự thảo, Bộ GTVT cho biết, trong năm 2018 có 31/52 dự án (chiếm khoảng 60%) có lưu lượng thực tế cao hơn dự báo trong hợp đồng BOT; có 11/52 dự án (chiếm khoảng 20%) có lưu lượng thực tế đạt từ 80 - 100% so với dự báo trong hợp đồng; có khoảng 10 dự án có lưu lượng thực tế thấp (dưới 80%) so với dự báo trong hợp đồng. Bộ GTVT đưa ra tính toán rằng, năm 2018 có tới 26 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu. Đối với những dự án này, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời có thể kéo theo một số hệ lụy như phá vỡ phương án tài chính của các dự án, các khoản vay đầu tư BOT sẽ thành nợ xấu.
Khi kinh tế càng phát triển, lượng ô tô gia tăng thì đúng ra lưu lượng qua các trạm BOT phải tăng. Lúc đó phải giảm phí mới đúng chứ sao lại đòi tăng phí. Cần làm rõ nguyên nhân thu phí không đạt phương án tài chính, do lượng xe ít hay do chi phí thường xuyên của trạm thu phí quá lớn, cách thức tổ chức không hợp lý?

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền

Việc giảm doanh thu của các dự án trên, theo Bộ GTVT một phần do lưu lượng phương tiện thấp hơn so với dự báo, một phần khác do xuất hiện các tuyến đường song hành, đường ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến xe tránh trạm. Đặc biệt, Bộ GTVT cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến doanh thu các dự án BOT giảm là do chính sánh giảm phí, thực hiện theo chủ trương chung của Chính phủ.

Bộ GTVT lập luận, đối với các dự án BOT sụt giảm doanh thu, nếu không có giải pháp đồng bộ kịp thời sẽ khiến phá vỡ phương án tài chính, các khoản vay đầu tư BOT thành nợ xấu. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, đặc biệt trong việc kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai thực hiện. Từ nhận định trên, Bộ GTVT đưa ra giải pháp tháo gỡ với 2 phương án nhằm “giải cứu” các dự án BOT. Trong đó, bộ này nghiêng về phương án cho tăng phí 49 dự án trong giai đoạn từ năm 2019 – 2021 nhưng trước mắt sẽ tăng tại các dự án có doanh thu thấp. Còn nếu đợi đến năm 2022 mới bắt đầu tăng phí sẽ khiến 9 dự án rơi vào nguy cơ phá vỡ phương án tài chính và khi đó Nhà nước sẽ phải bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án này.

Thiếu thuyết phục

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, đề xuất tăng phí các dự án BOT vì lý do DN làm ăn thua lỗ là vô lý. Đặc biệt, càng không thể mang chuyện nợ xấu và ngân sách Nhà nước phải bù lỗ ra “dọa” để đòi tăng phí. Theo TS Cao Sỹ Kiêm, hàng loạt bất cập, sai phạm tại các dự án BOT giao thông trong thời gian qua như trạm thu phí đặt sai vị trí, thời gian thu phí quá dài, công tác thu phí thiếu công khai, minh bạch... đều chưa được Bộ GTVT giải quyết. Giải pháp gần như duy nhất mà bộ này thực hiện là giảm giá vé. Nay Bộ GTVT lại nói, giảm giá vé là một trong những nguyên nhân khiến các dự án BOT giảm doanh thu là điều rất khó chấp nhận. “Vấn đề cốt lõi ở các dự án BOT là đảm bảo công khai, công bằng và minh bạch. Điều này Bộ GTVT vẫn chưa làm được. Giờ Bộ GTVT lại đòi tăng giá vé thì không biết họ sẽ nghĩ ra giải pháp nào khác thay thế được?” – TS Cao Sỹ Kiêm phân tích.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông khẳng định, việc Bộ GTVT vì lo DN thua lỗ mà xin tăng phí BOT là cách làm ngược đời. Bởi những bất cập của BOT trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của số đông người dân. Vì thế, việc giảm giá vé cũng là một giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho số đông đó. Nay chỉ vì DN kêu khó, kêu lỗ mà đòi tăng phí là cách làm ngược đời.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên nhân gây sụt giảm doanh thu của các dự án BOT mà Bộ GTVT đưa ra cũng thiếu thuyết phục. Bởi, trong những năm qua, nước ta chủ yếu phát triển giao thông đường bộ, còn đường sắt và đường thủy gần như bị lãng quên. Vì thế, các phương tiện vận tải sẽ ngày càng đổ dồn vào đường bộ. Theo logic, lưu lượng phương tiện vận tải đường bộ phải ngày một tăng chứ không thể giảm. “Bộ GTVT muốn tăng phí phải đưa ra được cơ sở đủ thuyết phục, không phải nhà đầu tư cứ xin là tăng. Không thể chỉ chăm chăm đến lợi ích của DN mà bỏ quên lợi ích của người dân” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.