Đề xuất tăng phí sử dụng đường cao tốc giờ cao điểm: Bất hợp lý

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có đề xuất tăng gấp đôi mức thu phí trên cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây vào giờ và dịp cao điểm nhằm giảm thiểu UTGT.

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của nhiều DN, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải.
“Béo” chủ đầu tư
Tại văn bản gửi Bộ GTVT, VEC kiến nghị điều chỉnh mức phí tăng gấp 2 lần vào các khung giờ cao điểm (từ 7 giờ – 19 giờ) và điều chỉnh giảm 1/2 mức phí vào giờ thấp điểm (từ 19 giờ – 7 giờ ngày hôm sau) so với mức phí hiện tại đang áp dụng. Mức phí cụ thể của từng loại phương tiện sẽ được VEC tính toán và áp dụng trên cơ sở biểu đồ phân bổ lưu lượng giao thông. Cũng tại văn bản này, đại diện VEC cho biết, sau 3 tháng thực hiện thí điểm, căn cứ thực tế, VEC sẽ phân tích, đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo Bộ GTVT xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp.
 Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.  Ảnh: Bảo Ngọc
Liên quan đến đề xuất này, nhiều chuyên gia cho rằng, tăng phí sử dụng đường cao tốc vào giờ cao điểm, dịp lễ Tết mà có thể giảm thiểu ùn tắc là chưa hợp lý. Bởi, phần lớn nguyên nhân UTGT trên đường cao tốc xuất phát từ những sự cố tai nạn bất ngờ. Ngoài ra, ở nhiều nước trên thế giới, khi xây dựng đường cao tốc, người ta cũng bố trí tuyến đường khác để người dân có quyền lựa chọn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện rất nhiều tuyến đường cao tốc bị biến thành tuyến đường độc đạo, người dân bắt buộc phải đi qua. Do đó, việc tăng phí giờ, dịp cao điểm về lâu dài sẽ chỉ hạn chế được các loại xe tải, còn các loại xe cá nhân, xe khách thì khó có thể giảm. Theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, nếu đề xuất trên được thông qua, người dân, DN vận tải tiếp tục phải gánh thêm những khoản phí từ trên trời rơi xuống và cách làm này chỉ “béo” chủ đầu tư.
Cần những biện pháp dài hơi
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Luật sư Vũ Hồng Hoa – Giám đốc Hợp tác xã Luật Đống Đa cho rằng, việc tăng phí sử dụng đường cao tốc giảm thiểu phương tiện tham gia giao thông, hướng đến giảm UTGT là điều cần thiết. Tuy nhiên, để đề xuất này đi vào thực tiễn các cơ quan chức năng phải trả lời được một số câu hỏi như: Quy định nào cho phép tăng 50% mức thu phí như đề xuất (tăng 100% giờ cao điểm, giảm 50% giờ thấp điểm); Số tiền thu được từ việc tăng mức thu phí sẽ sử dụng làm gì? Nếu thu cao hơn thì thời gian thu phí theo hợp đồng đã ký kết có được giảm hay không?... Đặc biệt, trước khi tiến hành tăng phí sử dụng đường cao tốc, các cơ quan chức năng phải tiến hành khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, những người trực tiếp sử dụng dịch vụ để đảm bảo cuộc sống của người dân, an sinh xã hội.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia giao thông khi được hỏi đều cho rằng, mọi điều chỉnh tăng phí đều ảnh hưởng đến cuộc sống và đi lại của người dân. Do đó, thay vì sử dụng giải pháp tăng phí BOT, cần giảm bớt trạm thu phí như trên các tuyến cao tốc, áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Cùng với đó, các đơn vị cần phải mở thêm đường dân sinh, mở đường nối các trung tâm kinh tế, chính trị để người dân có thêm sự lựa chọn khác.
Trong bất cứ một hợp đồng kinh tế nào, đặc biệt là hợp đồng BOT đều có những điều khoản cho phép tăng, giảm mức thu phí cho phù hợp điều kiện xã hội. Tuy nhiên, tăng 100% giờ cao điểm nhưng chỉ giảm 50% vào giờ thấp điểm là chưa hợp lý.
Luật sư Vũ Hồng HoaGiám đốc Hợp tác xã Luật Đống Đa
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần