Đề xuất tăng thuế VAT Doanh nghiệp cũng... khóc

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thuế giá trị gia tăng (VAT) đánh trực tiếp vào hàng hóa sẽ tác động làm tăng giá cả. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến DN khi người dân cắt giảm chi tiêu, sức cầu giảm. Đón nhận thông tin này, nhiều DN cũng tỏ ra lo lắng.

 Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu Võ Văn Đại cho biết, mức thuế VAT nguyên liệu đầu vào DN thu mua từ bà con nông dân đã là 10%. Nếu tăng thêm 12% như dự kiến có thể gây khó khăn cho DN. “Sản xuất nông nghiệp, nhất là ngành thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nếu thuế VAT cao sẽ tác động tới giá thu mua vào, khiến DN phải giảm giá thành thu mua để bù chi phí tăng thuế. Như vậy, khó khăn sẽ dồn về cho người nông dân” - ông Đại cho hay. Vì thế, ông Đại kiến nghị việc tăng thuế cần được rà soát kỹ tác động tới từng lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp còn khó khăn, cần thúc đẩy tăng trưởng thì Nhà nước xem xét không tăng mà nên giảm thuế VAT xuống 5% thay vì tăng lên 12%.
 Doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại cục Thuế Hà Nội.  Ảnh Hải Linh
Đồng quan điểm, đại diện một DN sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ cho biết, với mỗi đơn hàng trị giá khoảng 1 tỷ đồng, DN mất 100 triệu đồng tiền thuế VAT với mức thuế 10%,
“Việc tăng thuế gián thu, cụ thể là thuế VAT, sẽ góp phần làm tăng chi phí chung trong nền kinh tế khi người tiêu dùng cuối cùng phải chịu một khoản chi phí thuế cao hơn. Điều này dẫn tới 2 vấn đề. Một là việc tăng thuế sẽ tăng chí phí lên người dùng cuối cùng nhưng cũng ảnh hưởng đến kinh doanh chung của các DN. Hai là, dù là thuế gián thu nhưng khi tăng thuế thì làm tăng giá cả, chi tiêu giảm, hoạt động kinh doanh của DN sụt giảm”.

Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Australia tại Việt Nam
nhưng nếu tăng lên 12%, DN phải nộp thêm 20 triệu đồng. Điều này sẽ khiến chi phí sản xuất của DN gia tăng, lợi nhuận giảm sút bởi lợi nhuận từ mặt hàng thủ công mỹ nghệ không nhiều như một số lĩnh vực khác.
Tăng thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền của DN cũng như tình hình tài chính, các DN sẽ phải “cân đong, đo đếm” lợi nhuận để bù vào chi phí tăng thêm của thuế VAT. Theo các chuyên gia kinh tế, VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hóa sẽ làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đồng thời, tác động ngược trở lại DN, làm sức cạnh tranh của DN giảm đi. Khi sức cầu giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đi xuống, nguồn thu cho ngân sách cũng theo đó đi xuống. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc tăng thuế VAT sẽ làm tăng thu ngân sách mà lại dễ thực hiện nhất bởi "cứ có hóa đơn bán hàng là thu", nhưng cần cân nhắc bởi không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, hỗ trợ người nghèo, điều chỉnh xã hội như thuế trực thu.

Nhìn nhận một cách tích cực hơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, bên cạnh tăng VAT, Bộ Tài chính cũng đã kết hợp với giảm thuế thu nhập DN. Về mặt tính toán của Bộ, khi tăng VAT thì tăng được nguồn thu cho ngân sách, giảm thuế thu nhập DN tạo điều kiện cho DN tích lũy được lợi nhuận, vốn, giảm bớt khó khăn... “Tuy nhiên, đối với việc tăng VAT, chúng tôi mong muốn Chính phủ cân nhắc, tính toán thật kỹ bậc tăng, tăng ở ngành nào với bậc tăng nào là phù hợp để tránh tác động đến hàng hóa thiết yếu, ổn định vĩ mô. Vì tăng VAT có thể khiến cho hàng hóa thiết yếu ngay lập tức tăng theo. Nó sẽ khiến cho sức mua bị giảm sút, tác động ít nhiều đến sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, việc tăng giá cả hàng hóa như vậy cũng làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương bình quân tối thiểu năm 2018 vừa mới được thông qua là 6,5%” - ông Nam nhấn mạnh.