HoREA đề xuất TP Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn cho 126 dự án nhà ở thương mại

Tiểu Thúy/Tiêu dùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tháo gỡ những khó khăn còn tồn động, HoREA đề xuất TP Hồ Chí Minh sớm xem xét, ban hành Quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại.

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi đến UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Quy hoạch và Kiến trúc để kiến nghị về việc sớm ban hành quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại.

Theo đó, HoREA đánh giá cần thiết phải sớm xem xét, ban hành Quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại, nhằm giải quyết những bất cập và để tháo gỡ “ách tắc” cho các dự án nhà ở thương mại trong thời gian qua, điều này vừa phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư 2020 và Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020.

 Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có đến 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp hiện đang gặp khó cần tháo gỡ.
Cụ thể, các kiến nghị trên được HoREA đề xuất sau khi nhận được văn bản số 7268/VP-ĐT ngày 26/08/2020 của Văn phòng UBND TP về việc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan về nội dung bất cập giữa Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đầu tư theo báo cáo của Sở Quy hoạch và Kiến trúc tại văn bản số 2764/SQHKT-QLTHQH-PC ngày 10/08/2020.
Sau khi nghiên cứu, Hiệp hội cho biết, kể từ ngày 01/01/2021 Luật Đầu tư năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng sẽ có hiệu lực để triển khai thực hiện thì sẽ không còn những bất cập giữa Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đầu tư như báo cáo số 2764/SQHKT-QLTHQH-PC của Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Tuy nhiên, vấn đề bất cập là từ nay đến ngày 31/12/2020, Sở Quy hoạch Kiến trúc có thể không nhận giải quyết hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của nhà đầu tư, mặc dù đã có Quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP, dẫn đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp trên địa bàn TP có thể tiếp tục bị “ách tắc”.
Bởi vì, trong thời gian từ nay đến ngày 31/12/2020, thì vẫn phải thực hiện theo các quy định của Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Đầu tư 2014, Luật Nhà ở 2014. Có nghĩa là, Sở Quy hoạch Kiến trúc vẫn không nhận và không giải quyết hồ sơ của “nhà đầu tư” đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, mặc dù đã có “Quyết định chủ trương đầu tư” của Chủ tịch UBND TP, vì Quyết định này ghi tên “nhà đầu tư”, chứ không phải “chủ đầu tư”.

Hơn nữa, theo HoREA, Sở Quy hoạch Kiến trúc chỉ báo cáo thực trạng tình hình và trình UBND TP xem xét, quyết định về những bất cập giữa Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đầu tư trong việc xác định chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại. Nhưng, Sở Quy hoạch Kiến trúc không nêu chính kiến, cũng không đề xuất giải pháp để xử lý các bất cập trên.
Do đó, HoREA kiến nghị từ nay đến ngày 31/12/2020, để giải quyết hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có Quyết định chủ trương đầu tư thì UBND TP cần có Văn bản chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc thực hiện “Bước 2: Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc công trình theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị”, sau khi “nhà đầu tư” đã thực hiện xong “Bước 1: Lập thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư”.
Bên cạnh đó, trong công văn này, HoREA cũng cho rằng Quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại gồm 4 bước do Sở Xây dựng tổng hợp và đề xuất tại văn bản số 5290/SXD-PTĐT ngày 20/5/2020 cũng đang có một số vấn đề bất cập. Một số đề xuất không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và cũng không phù hợp với thực tiễn.
Chính vì vậy, HoREA cũng đã góp ý để chỉnh sửa một số nội dung của quy trình 4 bước này để phù hợp với thực tiễn hơn. Cụ thể, HoREA, Quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại 04 bước được thực hiện để phù hợp với thực tiễn sẽ bao gồm:
Bước 1: Lập thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư (Ghi chú: Từ ngày 1/1/2021, gọi là thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư”).
Bước 2: Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc công trình theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.
Bước 3: Thực hiện song song và nối tiếp liên tục các thủ tục hành chính sau đây: Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; Công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư; Thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, cấp Giấy phép xây dựng và được khởi công xây dựng công trình, theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ; Xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất (Ghi chú: Từ ngày 01/01/2021, bỏ thủ tục thẩm định thiết kế kỹ thuật, mà lồng ghép trong thủ tục cấp Giấy phép xây dựng).
Bước 4: Lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.