Đề xuất thu gọn đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh: Thay đổi từ tư duy đến thói quen của cán bộ

Linh Chi (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nếu dự thảo “Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư” mà Bộ Nội vụ đang đề xuất được thông qua sẽ là “cuộc cách mạng” gai góc nhất từ trước đến nay, bởi nhiều cán bộ sẽ phải đấu tranh với chính mình để thay đổi ngay từ tư duy đến thói quen.

 
Nhưng khó không có nghĩa không thể làm được…”- PGS.TS Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội Khóa 13, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nôi chia sẻ.
“Không ai muốn tự chặt tay mình”
Bà đánh giá thế nào về đề xuất sáp nhập sở, ngành trong dự thảo đang được Bộ Nội vụ xây dựng?
- Phải khẳng định đề xuất này là đột phá trong tinh giản biên chế và thu gọn bộ máy, đáng lẽ phải làm từ lâu rồi. Cái lợi đầu tiên dễ thấy là trụ sở làm việc sẽ được giảm, đồng thời giảm được nhiều đầu mối. Hơn nữa, nếu nhiều ngành tập trung một đầu mối thì một lúc xử lý được rất nhiều công việc, giảm nhiều thời gian cho người dân. Đương nhiên khi biên chế giảm, ngân sách Nhà nước cũng giảm đáng kể.
Tuy nhiên, để làm được, khó khăn có thể nhìn thấy ngay là đa số công chức đang chuyên làm một mảng, nay nếu phải làm “3 trong 1” thì phải thay đổi thói quen. Mà khắc phục chính mình là vô cùng khó. Thực tế nhiều công chức chưa làm hết công suất, nhiều người tài chưa phát huy hết năng lực. Khó thứ hai là giải quyết tâm lý của những Giám đốc sở, Trưởng phòng, khi thấy công việc nặng nề hơn, khác hẳn chuyên ngành sâu trước đây. Khó nữa là, đứng đầu những đơn vị sau sáp nhập phải có trình độ rất cao, trong khi trước đây chế độ đãi ngộ chưa thật thỏa đáng.
Để khắc phục về tâm lý, thói quen, chúng ta phải thay đổi dần. Hơn nữa, rất nhiều cán bộ trẻ đủ tài đủ đức, cùng lúc có thể làm rất nhiều việc, nên không khó để tuyển đúng cán bộ là người tài. Còn để khắc phục việc trả lương, cần xác định giảm biên chế đi thì cũng tăng được lương cho những người làm còn lại, vì khoán quỹ lương. Người nào làm hết công suất thì sẽ được đãi ngộ xứng đáng. Giải pháp phải đồng bộ, mà nếu làm được thì sẽ là một khâu đột phá trong công tác cán bộ, từ đó đột phá trong nhiều khâu khác.
Nhưng theo nhiều ý kiến, khi sáp nhập sẽ khó tránh khỏi đụng chạm quyền lợi của nhiều cán bộ, quan chức. Vậy, làm sao gạt bỏ lợi ích riêng để đặt lợi ích chung lên trên?
- Tôi nghĩ bài toán khó nhất trong chuyện sáp nhập này chính là giải quyết dôi dư cán bộ biên chế, đặc biệt là dôi “sếp”. Nhưng tôi tin, cán bộ có phẩm chất thì luôn quan niệm dù ở vị trí cao đến đâu cũng là công bộc của dân, đều sẵn sàng “không làm việc này thì làm việc khác”. Bởi thế, khó mấy cũng làm được nếu mọi người vào cuộc vì sự phát triển chung, vì sự hài lòng của người dân.
Để giải quyết chuyện này, rất cần các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc đồng bộ. Song song với đó, Nhà nước cần nghiên cứu đừng để cán bộ đó quá thiệt thòi về vật chất. Một đồng chí không còn là Giám đốc sở mà ở vị trí nào đó tương xứng với trách nhiệm và năng lực, vẫn cần được đãi ngộ xứng đáng, thì chắc chắn họ vẫn cố gắng làm tốt.
Bài toán khó nữa là việc sáp nhập có thể tạo ra quyền lợi lớn hơn cho một cá nhân, như 2 sở Tài chính - KH&ĐT sáp nhập thì Giám đốc mới vừa "quyết” về kế hoạch, vừa “quyết” tài chính, liệu có dẫn đến thiếu minh bạch?
- Khi sáp nhập các sở, tất nhiên trách nhiệm và cả quyền lợi của người đứng đầu sẽ rất lớn. Cái khó chính là đổi mới tư duy, vì gộp nhiều mảng lại thì hiệu suất làm việc của mỗi người cũng phải nâng lên, điều này càng khó với lãnh đạo. Nhưng sẽ không khó nếu chúng ta bổ nhiệm đúng người tài. Đó là người đủ khả năng tư duy, biết tổ chức công việc, tập hợp được người xung quanh. Cùng với đó, phải giám sát thật chặt để kiểm soát được quyền lực, để họ không lợi dụng quyền để mưu cầu cá nhân. Muốn giám sát quyền lực, trước hết, cơ quan cấp trên quản thật chặt, đồng thời giám sát ngay bằng tổ chức của mình. Hơn nữa, phải quy định được nhiệm vụ cụ thể, và cứ trên cơ sở đó giám sát. Song, quan trọng là phải yêu cầu minh bạch trong mọi khâu.
Đây là cuộc cách mạng đầy gai góc, khó hơn nhiều các cuộc cách mạng trước đây, bởi chúng ta phải chiến đấu với tư tưởng lạc hậu, thích nhàn hạ, đấu tranh với chính mình để thay đổi tư duy. Việc đó là khó nhất, vì không ai lại muốn tự chặt tay mình.
Quan trọng nhất là cơ chế “hút” người tài
Thực tế đã từng xảy ra là sau khi sáp nhập nhiều sở, bộ, có những sở hơn 10 Phó Giám đốc, bộ thì tăng lên nhiều Thứ trưởng. Vậy, theo bà, lần sáp nhập này liệu có đạt được mục tiêu tinh giản biên chế và tránh chồng chéo trong quản lý?
- Chắc chắn là giải quyết được. Không phải vì cho sáp nhập nhiều sở to, nhiều việc thì cho tăng nhiều Phó Giám đốc, mà phải thực hiện đúng quy định mỗi sở tối đa 3 Phó Giám đốc (trừ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh). Trường hợp này, thiết nghĩ Chính phủ nên quy định tuyển lãnh đạo. Có sự cạnh tranh thì sẽ tuyển được đúng người đảm nhiệm được công việc, không cần nhiều phó nữa. Còn nếu cần quá nhiều phó, chứng tỏ trưởng đó không đủ năng lực. Nhiều khi cũng bởi họ muốn chia mỗi phó một mảng quản lý, còn mình chỉ ngồi nghe báo cáo lại, chứ không nắm được gì.
Riêng với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khối lượng công việc rất lớn, theo nhiều ý kiến, nếu sáp nhập các sở với nhau thì một người không thể đảm đương được. Vậy, theo bà, có cần cơ chế đặc thù?
- Đúng là nhiều tỉnh chỉ 0,8 - 1 triệu dân thì Hà Nội có tới 9 triệu dân. Rất đông người cần được phục vụ, nên khối lượng công việc nhiều hơn gấp bội, phải xử lý liên ngành, nên có thể xem xét cho tăng biên chế nhưng vẫn trong bộ máy đó.
Tôi nghĩ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có đủ người tài. Nếu chọn được đúng người thực sự có tài phụ trách sở, cho thêm biên chế thì họ sẽ một lúc làm được rất nhiều việc, miễn là họ biết tổ chức. Đồng thời, nên có cơ chế đặc thù phân cấp cho Thủ đô nhiều quyền hơn và trong từng sở, phòng có nhiều biên chế hơn các tỉnh, TP khác. Quan trọng nhất hiện nay là phải có cơ chế thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Đừng nghĩ sai về cán bộ trẻ, không phải họ chỉ quan tâm đến tiền. Khi được tôn trọng, được đối xử tốt, họ có thể lăn xả vào công việc.