Đề xuất trừ điểm trên giấy phép lái xe: Liệu có phát sinh tiêu cực?

Hoàng Hiệp
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Bộ Công an đã trình Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Trong đó, đề xuất mỗi giấy phép lái xe (GPLX) có sẵn 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý khi vi phạm giao thông đang trở thành vấn đề nóng trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội.

 Xử lý lái xe vi phạm giao thông trên phố Đào Tấn. Ảnh: Việt Linh

Bị trừ hết điểm buộc phải học và thi lại
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT (Cục CSGT, Bộ Công An), 12 điểm tương ứng với 12 tháng được cấp cho mỗi GPLX trong 1 năm. Điều này được tham khảo từ nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công như Trung Quốc, Singapore... Số điểm này không thể hiện trên GPLX mà lưu trong hệ thống dữ liệu bằng lái, điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật ngay sau khi xử phạt. CSGT khi xử lý chỉ cần tra trên máy có thể biết tài xế còn bao nhiêu điểm. Khi bị trừ hết điểm, tài xế muốn cấp GPLX mới buộc phải học và thi lại trong thời gian ít nhất 6 tháng, kể từ ngày GPLX cũ hết hiệu lực.
“Việc trừ điểm này sẽ thay thế một phần cho hình thức phạt bổ sung. Ví dụ như lỗi vượt đèn đỏ, hiện nay lái xe ô tô bị phạt 4 triệu đồng, tước GPLX 3 tháng. Nhưng nếu áp dụng trừ điểm thì vẫn bị phạt 4 triệu đồng và trừ 3 điểm trên GPLX. Nếu đủ điểm, tài xế không bị tước GPLX ngay mà vẫn còn quỹ điểm nhất định để điều khiển được phương tiện” – Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết.
Liệu có khả thi?
Trên các diễn đàn và mạng xã hội, đa số ý kiến đồng tình và cho rằng, đề xuất trên góp phần nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Anh Hoàng Minh (trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) - tài xế một hãng taxi công nghệ tại Hà Nội cho rằng, việc không tước GPLX ngay mà trừ điểm sẽ tạo điều kiện cho lái xe có cơ hội sửa chữa và rút kinh nghiệm. “Hiện nay, nếu mắc lỗi có thể bị tước bằng lái vài tháng, điều này gây khó khăn cho những lái xe thường xuyên di chuyển. Việc trừ điểm vừa mang tính răn đe lại vừa nhân văn hơn” - anh Minh chia sẻ.
Tuy vậy, tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, một số người dân vẫn băn khoăn với đề xuất này. Theo anh Trần Hiếu (quận Hà Đông, Hà Nội), muốn áp dụng chế tài với người lái xe, trước tiên cơ sở hạ tầng, hệ thống biển báo, vạch kẻ đường phải chuẩn. Đồng thời, việc xử lý vi phạm phải công khai, minh bạch mới đạt được hiệu quả. Còn anh Hoàng Đình Thái (quận Long Biên, Hà Nội) phân tích, nếu hết điểm sẽ coi như bị tước bằng lái, điều này sẽ dẫn tới việc tài xế đưa tiền cho CSGT để không bị lập biên bản và trừ điểm. “Như vậy có thể còn tạo cơ hội cho hành vi tiêu cực hơn” - anh Thái nhận định.
Thực tế, việc trừ điểm trên GPLX không hề mới. Từ năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng bấm lỗ. Theo đó, nếu GPLX bị đánh dấu 2 lần vi phạm, tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi GPLX; nếu bị đánh dấu 3 lần, GPLX hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp GPLX mới. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, quy định này bộc lộ nhiều bất cập và đã bị bãi bỏ.
Lâu nay việc xử phạt lái xe vi phạm giao thông gần như “phạt là xong”, không lưu lại lịch sử vi phạm một cách rõ ràng. Việc mỗi người được “cấp vốn” 12 điểm, khi vi phạm bị trừ điểm và đồng bộ hóa dữ liệu vi phạm không chỉ mang tính răn đe mà còn giúp cơ quan chức năng đánh giá được năng lực, khả năng của từng lái xe.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần