Đề xuất xây 6 cầu vượt sông Hồng, sông Đuống: Tạo động lực phát triển kinh tế Thủ đô

Ngọc Hải (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đề xuất xây 6 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, Thạc sĩ Phan Trường Thành -người trực tiếp cùng tham gia xây dựng Chương trình tổng thể "Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến 2030" cho rằng: "Nếu chỉ nhìn nhận đơn lẻ sẽ không thể thấy hết vai trò và tính cấp thiết của chúng trong hệ thống giao thông khung của Hà Nội".

Giảm tối đa chi phí giải phóng mặt bằng
6 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống gồm: Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Tứ Liên, Giang Biên, Đuống 2 và Trần Hưng Đạo có vai trò như thế nào đối với giao thông Hà Nội, thưa ông?
- Hiện nay, Hà Nội đang ở giai đoạn đầu của chương trình tổng thể đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông khung. Từ nay đến năm 2030, TP sẽ tập trung vào việc khép kín các vành đai, bổ sung kết nối các tuyến hướng tâm và đặc biệt là xây dựng thêm một số cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống. 6 cây cầu nêu trên không đứng đơn lẻ, chúng có tác dụng nối liền các trục vành đai, hướng tâm hoặc đường liên khu vực nên có vai trò rất quan trọng với giao thông của Hà Nội.
Đơn cử, cầu Thượng Cát là mảnh ghép đặc biệt trên tuyến Vành đai 3,5 - khi hoàn thành sẽ trở thành một trong những trục giao thông quá cảnh chính dành cho phương tiện cỡ lớn, giảm thiểu nguy cơ quá tải trên tuyến Vành đai 3 hiện nay. Bên cạnh đó, 6 cây cầu còn là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa của khu vực phía Bắc sông Hồng và Đông Vành đai 4. Giao thông thuận tiện tất yếu sẽ tạo nên sức hút đối với dân cư và cả các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, du lịch...
Việc xây dựng 6 cây cầu này có những khó khăn, thuận lợi gì?
- Phần lớn trong số 6 dự án cầu này đều có thuận lợi lớn nhất là hạn chế được tối đa chi phí giải phóng mặt bằng cũng như những tác động đến người dân đang sinh sống 2 bên đầu cầu. Ví dụ như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, khi thi công sẽ hoàn toàn không phải giải phóng mặt bằng, đường nối 2 đầu cầu cũng đã có sẵn, đang để chờ đấu nối. Dẫu vậy, vẫn còn có một số khó khăn mà Hà Nội phải tìm cách tháo gỡ nếu muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng 6 cây cầu, đặc biệt là cơ chế, chính sách và vốn.
Hiện nay, ngân sách cho đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 - 2020 của TP chỉ đáp ứng được khoảng 20% trong số 135.000 tỷ đồng cần huy động. Do đó, TP phải tận dụng được tối đa nguồn vốn xã hội hóa. Mà muốn huy động được nguồn vốn xã hội cần phải có cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Với một công trình hạ tầng giao thông bình thường, nếu thực hiện đúng theo quy định hiện hành sẽ phải mất 3 - 4 vòng đấu thầu gồm: Đấu thầu tư vấn, đấu thầu thiết kế và dự toán, đấu thầu thi công xây lắp… Như vậy có thể phải mất từ hơn 500 - 700 ngày cho riêng công đoạn hoàn thiện thủ tục. Thời gian dài như thế không chỉ làm chậm tiến độ các công trình, mà ngay cả các nhà đầu tư cũng cảm thấy mệt mỏi.
Ngoài ra, đối với mỗi cầu lại có những vấn đề đặc thù riêng cần xem xét. Ví dụ như cầu Trần Hưng Đạo, một đầu cầu nằm tiếp giáp với khu vực phễu bay của Sân bay Gia Lâm, do đó cần phải có phương án đảm bảo an ninh, an toàn hàng không được Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) đồng thuận. Các cầu Tứ Liên, Thượng Cát… khi thi công sẽ phải có phương án đảm bảo không ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ và an toàn đê điều…
Vậy, Hà Nội có phương án nào để tháo gỡ những khó khăn như ông vừa nêu?
- Tình trạng UTGT tại Hà Nội đang rất cấp bách, do đó UBND TP đã có đề xuất và đã được Thủ tướng chấp thuận cho nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc thù, tự lựa chọn nhà đầu tư đối với một số công trình trọng điểm. 6 cây cầu này cũng đã được TP đưa vào danh sách đề xuất với Thủ tướng cho chỉ định thầu. Hiện cũng đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm và mong muốn rót vốn vào thực hiện dự án theo hình thức BT hoặc BOT. TP cũng đã chuẩn bị sẵn quỹ đất đối ứng để thanh toán cho từng công trình.
Còn các vấn đề kỹ thuật, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, TP sẽ giao cho các nhà đầu tư trực tiếp nghiên cứu đối với từng cây cầu cụ thể. TP sẽ cùng với nhà đầu tư thực hiện một số vấn đề liên quan đến thẩm định, thủ tục lấy ý kiến các Bộ, ngành cũng như trình lên Chính phủ xem xét.
Bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý đầu tư, xây dựng
Liệu việc chỉ định thầu có dẫn đến tiêu cực, “lợi ích nhóm”?
- Nếu hiểu rõ cơ chế lựa chọn nhà đầu tư mà Hà Nội đề xuất, chúng ta hoàn toàn không phải lo lắng đến vấn đề tiêu cực trong việc chỉ định thầu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã có chỉ đạo xuyên suốt, bất kỳ nhà đầu tư nào muốn đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội phải đạt một số tiêu chí căn bản như: Có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực quan tâm thực hiện; có đủ năng lực về tài chính, cam kết thực hiện về vốn. Ngoài ra, nhà đầu tư phải có một khoản tiền nhất định để ký quỹ, trong trường hợp thực hiện dự án chậm, không đáp ứng yêu cầu thì phải mất toàn bộ phần tiền ký quỹ. Nhà đầu tư phải tự ứng vốn ra để nghiên cứu và lập báo cáo khả thi công trình; có tỷ lệ giảm giá công trình nhất định so với dự toán được duyệt.

Cầu Nhật Tân nhìn từ trên cao.Ảnh: Phạm Hùng

Riêng với đầu tư PPP, TP Hà Nội ưu tiên nhất là bỏ lãi vay, theo quy định điều này luật cho phép, Hà Nội sẽ cố gắng theo hướng ưu tiên lãi vay thấp nhất. Đơn vị nào có đủ năng lực, đủ nguồn lực tài chính Hà Nội rất sẵn lòng chào đón tham gia làm dự án. Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư đủ năng lực cùng mong muốn tham gia dự án thì Hà Nội sẽ cân nhắc, đưa ra bài toán để xem nhà đầu tư nào là tốt nhất, phù hợp nhất.
Để đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý đầu tư, xây dựng các công trình, Hà Nội cũng đã thành lập các Ban quản lý dự án chuyên ngành, giữ vai trò tham mưu cho TP trong việc lựa chọn nhà đầu tư và giám sát thực hiện đầu tư các công trình. Với những quy định, tiêu chuẩn và biện pháp tổ chức như thế, chắc chắn không chỉ 6 công trình cầu vượt sông mà tất cả các công trình áp dụng cơ chế đặc thù giao thầu của Hà Nội chắc chắn sẽ đảm bảo minh bạch, chất lượng và hiệu quả.
Theo ông, khi nào các dự án này sẽ được thực hiện?
- Hiện TP vẫn đang chờ đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Còn mục tiêu chung thì từ nay đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông khung của cả TP. Riêng 6 cây cầu, nếu được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, thì phấn đấu đến năm 2021 sẽ hoàn thành.
Xin cảm ơn ông!
Các dự án cầu vượt sông Hồng và sông Đuống sẽ buộc phải triển khai trong giai đoạn tới và giai đoạn tiếp theo. Thứ nhất bởi đã nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thứ hai, một số cây cầu bắc qua sông Hồng đã mãn tải, thường xuyên xảy ra UTGT và khó có thể đáp ứng tốc độ phát triển của đô thị trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, TP cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đối với từng cây cầu để có kế hoạch cụ thể đầu tư, xây dựng. Việc xác định thứ tự ưu tiên cần căn cứ trên các tiêu chí như nhu cầu thực tế, điều kiện thi công, sự quan tâm của các nhà đầu tư… Cái nào cần hơn, thuận lợi hơn thì làm trước.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần