Đề xuất xe máy phải bật đèn ban ngày - Băn khoăn về tính khả thi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban ATGT quốc gia vừa có đề xuất yêu cầu xe máy phải bật đèn khi tham gia giao thông ban ngày nhằm đảm bảo trật tự ATGT, giảm số người chết vì TNGT.

Tuy nhiên, dù mới đang trong giai đoạn xin ý kiến các bộ, ngành, nhà sản xuất…, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông.

Hay nơi xứ người...

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, quy định xe máy phải bật đèn khi tham gia giao thông ban ngày đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tính riêng khu vực Đông Nam Á hiện đã có 7 nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... áp dụng quy định bật đèn chiếu sáng phía trước khi tham gia giao thông ban ngày và đem lại hiệu quả. Số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu ATGT đường bộ châu Á cho thấy, nhờ sử dụng đèn chiếu sáng phía trước vào ban ngày, TNGT do va chạm với xe máy ở Malaysia đã giảm 20% và Nhật Bản giảm 40%...
Đề xuất xe máy phải bật đèn ngay cả khi lưu thông ban ngày đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. 	Ảnh: Chiến Công
Đề xuất xe máy phải bật đèn ngay cả khi lưu thông ban ngày đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Ảnh: Chiến Công
Cũng theo ông Hùng, quy định trên giúp TNGT ở những nước này giảm trung bình 25%/năm. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia Cộng đồng ASEAN nên… phải hài hòa tiêu chuẩn này với các nước trong khu vực. Ủy ban ATGT Quốc gia kỳ vọng việc áp dụng đèn chiếu sáng phía trước sẽ giúp giảm khoảng 10% TNGT, tương đương 500 - 600 người chết/năm. “Hiện, các bộ, ngành và các nhà sản xuất xe máy đang thảo luận về việc sử dụng công nghệ đèn tự động chiếu sáng phía trước của xe máy. Nếu nó được sự đồng thuận cao, đề xuất xe máy phải mở đèn ban ngày sẽ trở thành quy định bắt buộc” - ông Hùng cho biết.

... bất cập ở ta?

 Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội lại cho rằng, ở các nước châu Âu, sương mù nhiều, nhà sản xuất thiết kế đèn theo kiểu xe khởi động - đèn sáng là hợp lý. Còn ở Việt Nam, nếu đề xuất trên trở thành luật thì sẽ gây ra không ít phiền toái cho người tham gia giao thông. Bởi, tại nước ta, các phương tiện còn đang loay hoay tìm giải pháp để chống nắng, chống lóa khi trời nắng to, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam, nay nếu bắt buộc xe máy phải bật đèn ban ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của các phương tiện. Cũng theo ông Liên, bật đèn thường xuyên không chỉ gây lãng phí mà còn làm tăng nhiệt độ môi trường và đi ngược lại với các quy định hiện có về bảo vệ môi trường, thậm chí là làm gia tăng các vụ TNGT do tầm nhìn bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Công ty Honda Việt Nam chia sẻ: "Tại Việt Nam, nếu muốn thay đổi thiết kế của dòng xe máy, chúng tôi phải mất 2 năm để các cơ quan có liên quan phê chuẩn các tiêu chuẩn kỹ thuật, thử nghiệm xe". Cũng theo ông Tuấn, với mật độ phương tiện và hạ tầng giao thông như hiện nay, các cơ quan chức năng khi xem xét đề xuất này phải tính toán kỹ lưỡng những tác động phụ có thể xảy ra, như nhiệt độ, tầm quan sát của các phương tiện và các khoản chi phí phát sinh… “Trong trường hợp các cơ quan chức năng cho phép áp dụng giải pháp trên, đối với xe máy cũ đang lưu thông trên thị trường sẽ phải mất khoảng thời gian 2 năm để người dân mang xe đi thay thế, điều chỉnh, lắp đặt đèn chiếu sáng” - ông Tuấn cho biết.

Có thể nói, đề xuất xe máy phải bật đèn ban ngày để kiềm chế TNGT là hợp lý với các nước… xứ lạnh, sương mù dày đặc. Còn việc triển khai áp dụng ở Việt Nam cho “hài hòa tiêu chuẩn” lại là câu chuyện khác. Do đó, nhiều chuyên gia đề nghị các cơ quan chức năng khi nghiên cứu đề xuất này, và các đề xuất “copy” ở nước ngoài “paste” ở Việt Nam cần xem xét tính khả thi, điều kiện thực tế… tránh gây bức xúc, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và lãng phí ngân sách của Nhà nước, tiền bạc của Nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần