Đề xuất xe máy phải bật đèn nhận diện 24/24 giờ: Trên bảo có, dưới bảo không

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi lãnh đạo Vụ Pháp chế lên tiếng khẳng định rút lại đề xuất buộc xe máy bật đèn cả ngày để nhận diện, lập tức cấp trên của người này lại phủ nhận và cho biết, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn đang tiếp tục nghiên cứu. Sự việc xảy ra khiến dư luận đặt câu hỏi, chuyện gì đang diễn ra tại Bộ GTVT?

Lãnh đạo Bộ GTVT nói gì? 
Ngày 2/6, tại Hội thảo lấy ý kiến DN để hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (thuộc Bộ GTVT) Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, liên quan đến đề xuất buộc xe máy phải bật đèn cả ngày để nhận diện, sau khi nhận được ý kiến đóng góp của người dân và dư luận, đơn vị soạn thảo đã không quy định "cứng" thành quy tắc giao thông đối với quy định bắt buộc bật đèn nhận diện vào ban ngày đối với xe máy.
 Yêu cầu xe máy lắp thêm đèn Led để nhận diện chỉ khiến người dân thêm phiền hà và tốn kém. Ảnh: Hòa Thắng
Thay vào đó chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện, để vừa bảo đảm quy định của Công ước Viên vừa bảo đảm cơ chế phòng ngừa tai nạn cho người dân.
Điều bất ngờ là không lâu sau khi bà Nga khẳng định sẽ rút quy định nói trên trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), lập tức cấp trên của bà Nga là ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT lại cho biết, đây là thông tin không chính xác.
Trả lời báo chí trong ngày 2/6, ông Thọ khẳng định, Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục ghi nhận các ý kiến để nghiên cứu, xem xét bật đèn nhận diện cả ngày hay là vào các khung giờ cần thiết. “Thời gian từ 5 – 7 giờ sáng là thời điểm ánh sáng yếu, thì có thể bật đèn nhận diện, hay vào khung giờ từ 16 – 18 giờ chiều, hoặc là trời mưa gió, mưa phùn, nhiều mây đen” – ông Thọ nói và khẳng định quan điểm của Bộ là “lúc trời nắng quá cũng không cần bật đèn nhận diện”.
Đừng đề xuất bừa 
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chuyên gia Giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội tỏ ra bất ngờ với động thái khó hiểu theo kiểu “trên dưới bất nhất” trong việc thông tin về đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày để nhận diện của Bộ GTVT.
“Dường như Bộ GTVT đang “ỉu” dần về lập trường của mình đối với đề xuất do chính họ nghĩ ra. Từ cái cách Thứ trưởng Lê Đình Thọ phủ nhận ý kiến của lãnh đạo Vụ Pháp chế có thể hiểu, Bộ GTVT đã nhận ra cái sai nhưng chưa dám thừa nhận sai lầm mà đang tìm cách chống chế” – ông Bùi Danh Liên phân tích.
Theo ông Liên, trong bản Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), quy định xe máy phải bật đèn cả ngày không phải là đề xuất duy nhất của đơn vị soạn thảo vấp phải dư luận trái chiều và sự phản ứng của người dân. Qua đó cho thấy, công tác làm luật của Bộ GTVT đang có vấn đề và cần phải được xem xét lại.
“Đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày không phải bây giờ mới có, mà theo tôi biết đã có từ 2 - 3 năm trước. Tuy nhiên, khi đó vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân và dư luận nên mới không thực hiện được. Đến bây giờ, khi soạn thảo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GTVT lại đưa vào. Làm luật theo cái kiểu cứ đưa ra đề xuất để người dân cãi nhau, thấy không ổn lại rút lại như thế là không chấp nhận được” – ông Bùi Danh Liên nhận định.
Nói về quan điểm của mình về đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày để nhận diện, ông Bùi Danh Liên cho rằng, nước ta đang triển khai đề án hạn chế xe máy tại các TP lớn, trong ít năm tới, xe máy sẽ dần được thay thế bằng ô tô nên thời điểm này lại “đẻ” ra quy định bắt xe máy lắp thêm đèn Led để bật lên nhận diện là rất vô ích.
Trước đó tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, giao thông đường bộ đang là nút thắt cả về phần cứng và phần mềm, phí vận tải xếp vào nhóm cao trong khu vực, số người chết vì tai nạn giao thông vẫn tăng cao.
Nguyên nhân chính là do hệ thống giao thông và quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông còn thiếu đồng bộ, chưa bắt kịp thực tiễn, chưa phát huy được tối đa các tính năng công nghệ đã áp dụng. Do đó, việc sửa đổi luật cần phải có tầm nhìn xa nhưng cũng phải phù hợp thực tiễn đất nước, dễ dàng đi vào thực tế, tránh tình trạng luật ra rồi vẫn gây tranh cãi hoặc vừa ra đã phải sửa.

"Quy định xe máy phải bật đèn cả ngày để nhận diện là cách làm được nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nhưng lại không phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta. Do đó, có làm cũng không mang lại hiệu quả mà chỉ thêm phiền hà và tốn kém cho người dân. Bản thân tôi không ủng hộ đề xuất này." - Chuyên gia Giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần