Đề xuất xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ hưu có sai phạm khi công tác: Chấm dứt “tư duy nhiệm kỳ”, “hạ cánh an toàn”

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) do Bộ Nội vụ vừa xây dựng đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là với việc bổ sung quy định áp dụng xử lý kỷ luật CBCCVC đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Ảnh minh họa.
Góp phần lấp “khoảng trống” pháp lý
Theo Bộ Nội vụ, dự thảo được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức được Quốc hội khóa XIV vừa thông qua, phù hợp các quy định hiện hành của Đảng về xử lý kỷ luật CBCCVC. Song, quá trình xây dựng dự thảo còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên Bộ đang đăng tải lấy ý kiến rộng rãi.
Tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Nội vụ cho biết, Luật CB, CC năm 2008 quy định đối với cán bộ có 4 hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm; đồng thời, Khoản 4 Điều 78 quy định “Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định pháp luật, Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Tuy vậy, hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương...) chỉ quy định về bãi nhiệm mà không có quy định về hành vi vi phạm, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật với những trường hợp xử lý bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, đặc biệt với đội ngũ cán bộ cấp xã.
Lãnh đạo Bộ nhận định, chính điều này đang tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, chưa đảm bảo nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và nguyên tắc xử lý kỷ luật Đảng không thay thế xử lý kỷ luật hành chính. Do đó để góp phần giải quyết vấn đề này, Bộ đề nghị thống nhất bổ sung quy định xử lý cán bộ trong Nghị định để giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn thực hiện; cũng nhằm thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đừng “đánh trống bỏ dùi”
Dự thảo Nghị định này gồm 5 chương, 32 điều, trong đó đáng chú ý đã bổ sung quy định áp dụng xử lý kỷ luật với CBCCVC đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác và bổ sung nguyên tắc xử lý kỷ luật hành chính với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về Đảng. Đồng thời, quy định với trường hợp này được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm mà không phải điều tra, xác minh lại; cũng như bổ sung quy định về thẩm quyền.
Theo một số ý kiến, quy định xử lý kỷ luật hành chính với CBCCVC đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thực hiện sau khi xử lý kỷ luật Đảng là giới hạn đối tượng bị xử lý kỷ luật so với luật, bởi những người là CBCCVC nhưng không phải là đảng viên nay đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác sẽ không xử lý kỷ luật hành chính. Tuy nhiên, lý giải đề xuất của mình, Bộ Nội vụ cho rằng, quy định như dự thảo đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tiễn, thực hiện đúng quy định được giao. Thực tế cho thấy, để đảm bảo nguyên tắc công tác cán bộ là công tác của Đảng, hầu hết các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp hiện nay đều là đảng viên (một số ít chưa là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp công lập). Những sai phạm nghiêm trọng đa số ở những người đã từng giữ vị trí lãnh đạo. Do đó, việc giới hạn kỷ luật hành chính sau khi kỷ luật Đảng với đối tượng này là cần thiết, đảm bảo tính răn đe, phù hợp quy định của Đảng.
Nhận định về đề xuất mới của Bộ, nhiều chuyên gia đánh giá, quy định xử lý CBCCVC như vậy rất phù hợp chủ trương lớn hiện nay của Bộ Chính trị là tinh gọn, kiện toàn, làm trong sạch bộ máy cán bộ các cấp. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có tính răn đe để những người đang đương chức có ý thức phấn đấu, luôn thận trọng trong mọi quyết định của mình khi làm việc.
Các chuyên gia đề xuất, để thực thi quy định xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ hưu này (nếu được ban hành) một cách hiệu quả thì quan trọng nhất là xử lý thật nghiêm minh. Trước hết, phải minh bạch toàn bộ khuyết điểm, sai phạm của họ, từ tiêu chí đến hình thức kỷ luật sẽ áp dụng. Trên cơ sở đó cứ theo luật mà xử lý, dưới sự giám sát của cộng đồng, người dân, tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, vai trò giám sát của người dân vô cùng quan trọng, cần được đặt lên đúng vị trí trong luật. Đồng thời, việc công khai xử lý trên các phương tiện thông tin chính là hình thức giáo dục, răn đe tốt với mọi CBCC đã và đang đương chức - những người đã được Nhân dân giao trách nhiệm, tin tưởng. Đặc biệt, bà Bùi Thị An đề nghị, cán bộ đã nghỉ hưu mà phải xử lý kỷ luật thì không thể cách chức, nên cần áp dụng hình thức xử lý liên quan đến quyền lợi vật chất của họ phù hợp nhất với những khuyết điểm đã mắc phải. Nhất là việc xử lý phải thực hiện đến cùng, trong đó Tổ giúp việc của Thủ tướng, Ủy ban Kiểm tra của Đảng cũng như các cấp, ngành liên quan phải làm thường xuyên và rất quyết liệt, đừng “đánh trống bỏ dùi”.
Nhiều cán bộ chỉ nghĩ làm sao “hạ cánh an toàn”, nhất là rất nhiều hiện tượng trước khi nghỉ hưu ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm sai, đề bạt sai, tăng lương sai… dẫn đến hậu quả khôn lường cho cán bộ kế nhiệm. Vì thế, quy định như vậy rất chuẩn bởi sẽ góp phần chấm dứt tư duy "nhiệm kỳ”, “hạ cánh an toàn”; giúp CBCC nhận thức đúng, giúp Đảng thực hiện được tiêu chí chung là chọn được cán bộ làm việc vì dân, có phẩm cách. Chúng ta sẽ một phần giải quyết được hệ quả của nhiều năm qua là cán bộ khi về hưu không bị xử lý, dù trong thời gian đi làm mắc rất nhiều khuyết điểm.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An