Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Đếm xe trạm BOT là thực hiện quyền công dân”

Hà Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vụ việc nhiều người ngồi đếm xe qua trạm BOT đang gây chú ý và tranh cãi trong dư luận mấy ngày qua.

PV: Mấy ngày qua xuất hiện tình trạng nhiều người đến trạm BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa) ngồi ghi chép xe chạy qua trạm với ngụ ý thống kê số lượng xe để dự đoán số tiền trạm thu được, qua đó so sánh với số liệu công bố về thu chi của nhà đầu tư BOT, luật sư có ý kiến như thế nào?
Luật sư Trần Đình Dũng: Ra trạm BOT ngồi đếm xe qua lại là một hành vi lạ, gây chú ý đặc biệt trong mấy ngày qua! Về góc độ xã hội, tôi cho rằng, đây chính là hành vi giám sát xã hội trực tiếp của công dân, rất nên được cổ vũ khuyến khích. Đây là hiện tượng cho thấy công dân ngày càng có ý thức hơn đối với xã hội.
Luật sư Trần Đình Dũng.
Nhiều ý kiến trên trên diễn đàn xã hội cho rằng pháp luật không có điều khoản nào cấm nên công dân cứ thực hiện, miễn sao có mục địch tốt. Đúng vậy. Hành vi này không những pháp luật không cấm mà pháp luật còn khuyến khích. Tôi cho rằng, đếm xe trạm BOT là thực hiện quyền công dân.
PV: Luật pháp qui định thực hiện quyền công dân trong trường hợp này như thế nào, luật sư có thể nói rõ hơn?
Luật sư Trần Đình Dũng: Các trạm đầu tư theo hình thức đối tác công tư BOT thời gian gần đây được báo chí đưa ra công luận rất nhiều vấn đề. Chúng ta lưu ý, hình thức BOT nhà đầu tư (doanh nghiệp) chỉ có quyền thu phí trong một thời gian nhất định, còn lại tất cả con đường vẫn là tài sản công. Việc thu phí như thế nào, báo cáo chính xác hay không còn liên quan đến thời gian trả tuyến đường về cho nhân dân, chưa kể liên quan đến vấn đề nộp thuế nhà nước có trung thực với số tiền thu trên thực tế hay không. Mới đây nhất đã có tiền lệ phát hiện trạm thu cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương dùng phần mềm tin học để gian lận số liệu, đã bị cơ quan điều tra khởi tố vụ án.
Tôi nói như thế để thấy rằng, việc đếm xe qua trạm có thể phát hiện ra tham nhũng, phát hiện ra tội phạm trong lĩnh vực trốn thuế…
Điều 6 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (có hiệu lực đến ngày 1/7/2019) qui định “Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng”. Như vậy, việc đếm xe nhằm phát hiện tham nhũng là quyền công dân trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm. Ngoài ra, Khoản 3 Điều 4 Bộ luật hình sự còn qui định “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm”. Như vậy, việc phòng ngừa, phát hiện tội phạm trong lĩnh vực thuế, tham nhũng… không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ công dân phải thực hiện một cách tích cực.
Người dân ngồi đếm xe qua trạm BOT là thực hiện quyền công dân
PV: Luật sư nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng ngồi đếm trạm thu phí là gây cản trở giao thông đường bộ?
Luật sư Trần Đình Dũng: Gây cản trở giao thông đường bộ là một hành vi được mô tả Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 25/6/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, các hành vi như phá đường, che khuất tầm nhìn, tạo vật chắn gây cản trở giao thông… thì mới được xem là cản trở giao thông đường bộ.
Theo tôi, không thể cho rằng ngồi đếm xe qua lại là cản trở giao thông đường bộ hoặc gây rối trật tự công cộng. Thông qua mô tả trên báo chí mấy ngày qua về nhiều người thay nhau ngồi đếm xe qua lai ở trạm thu phí, tôi khẳng định họ không hề vi phạm bất kỳ qui định nào của pháp luật.
Ngược lại, như trên đã nói, đếm xe qua trạm thu phí như thế là thực hiện quyền, đồng thời là nghĩa vụ công dân trong lĩnh vực phòng chống tam nhũng, tội phạm. Chúng ta cần khuyến khích trong bối cảnh các trạm thu phí đang có nhiều dư luận lên tiếng, nhất là mới đây khởi tố liên quan đến trạm cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Cảm ơn luật sư!