Đến lượt ngành điện kêu khó!

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng chi phí bị “đội” lên năm 2018 và 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 20.735 tỷ đồng. Với chi phí tăng thêm của ngành điện quá lớn, giá bán lẻ điện có thể sẽ được điều chỉnh trong năm 2019.

 110kV Thăng Long. Ảnh: Ngọc Hà.
Vẫn treo lỗ
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chi phí tăng thêm với giá điện đến hết 2018 khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng và giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ đồng.
Suốt năm qua, ngành điện đã phải nỗ lực để không tăng giá bán. Vì thế, việc cân nhắc điều chỉnh giá điện không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành nên giá điện, như tỷ lệ hiệu quả của ngành điện, hệ số thất thoát đường dây... cần phải được công khai, minh bạch.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ
Năm 2019, ngành điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 là 3.516 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng,... Tổng chi phí đội lên năm 2019 sẽ khoảng 15.252 tỷ đồng. Ngoài ra, còn khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng.
“Với tổng chi phí năm 2018 và 2019 khoảng 20.735 tỷ đồng sẽ dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ theo quy định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg" - ông Đỗ Thắng Hải nói. Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, sẽ không tăng giá điện trong 3 tháng cuối năm 2018 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, giá bán lẻ điện có thể sẽ được điều chỉnh trong năm 2019.
Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Cục Quản lý giá... kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN. Sau khi kết thúc, nếu có biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu từ phát điện, truyền tải đến phân phối - bán lẻ điện… so với thông số sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành, sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo việc điều chỉnh giá điện năm 2019.
Xếp hàng chờ tăng giá
Hiện giá điện bán lẻ bình quân đang là 1.720,65 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Lần tăng giá điện gần nhất là đầu tháng 12/2017 với mức tăng 6,08%. Suốt cả năm 2018, do mục tiêu kiềm chế lạm phát nên Chính phủ không cho EVN tăng giá điện. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, giá đầu vào sản xuất điện dự báo sẽ tăng trước biến động của thị trường năng lượng thế giới như than, khí, dầu rất lớn.
Bên cạnh đó, giá xăng cũng đang chờ tăng (thời điểm đầu năm 2019 áp thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu) và nếu giá điện sẽ tăng, lạm phát có thể tăng mạnh hơn. Chính vì thế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, nên cân nhắc thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu (có hiệu lực từ 1/1/2019), và cũng là để có thời gian “gia cố” Quỹ bình ổn xăng dầu trên cơ sở điều hành trích lập, “xả” quỹ, phù hợp với thực tiễn để bảo đảm không tăng giá vào dịp Tết.
Theo một chuyên gia kinh tế, năm 2019 kiềm chế lạm phát sẽ là áp lực lớn cho Chính phủ trong việc cân đối thu - chi. Tuy nhiên, nếu sử dụng các biện pháp hành chính sẽ để lại những hậu quả khó lường trong dài hạn như đã từng diễn ra trong quá khứ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ mới đây cũng yêu cầu các đơn vị đánh giá sát thực tình hình, bám sát diễn biến, trình Chính phủ kịch bản điều hành của năm 2019 với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4%, chú ý đến 3 loại tác động: Biến động của thị trường thế giới, điều hành của Nhà nước và yếu tố thiên tai. Trường hợp giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng đột biến và tỷ giá tăng cao, có thể sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và ngừng trích lập quỹ. Với giá điện, Phó Thủ tướng lưu ý rà soát chi phí giá thành của giá điện, minh bạch, công khai cho người dân về giá đầu vào của điện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần