Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đến năm 2020 sẽ giải quyết dứt điểm 12 dự án yếu kém

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải trình trước Quốc Hội sáng nay (1/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói về việc xử lý các dự án yếu kém, tình trạng buôn lậu và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Về 12 dự án yếu kém của ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng nội dung của 12 dự án là rất phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ và giai đoạn khác nhau, xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bộ trưởng cho rằng cần phải đánh giá đồng bộ các vấn đề tồn tại, vướng mắc và tìm cách giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Trong giai đoạn 2016 - 2017, Chính phủ đã thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm tra đánh giá từng dự án cụ thể, ban hành chính sách cụ thể với từng dự án. Ngoài ra, sẽ giải quyết triệt để vi phạm tổ của các chức và cá nhân. Bộ Công Thương cũng sẽ rút kinh nghiệm và là bài học cho các dự án khác. Trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành giai đoạn chuẩn bị trong việc đánh giá, rà soát và biện pháp cụ thể từng dự án.
Đến năm 2018, Bộ Công Thương sẽ giải quyết cơ bản các dự án. Đến năm 2020 giải quyết dứt điểm. Hiện tại, trong 12 dự án, 4 dự án phân bón đã khôi phục và từng bước tiếp cận thị trường. 3 dự án lĩnh vực xăng sinh học cũng đang khởi động lại và năm 2018 sẽ sản xuất thương mại. Với dự án Thép Thái Nguyên, Thép Việt Trung cũng sẽ từng bước rút vốn Nhà nước và giải quyết các vấn đề tồn đọng.
Không chỉ thuốc lá, buôn lậu nhức nhối ở các địa phương
Giải trình thêm về vấn đề đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) nêu buôn lậu thuốc lá tràn lan, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết không chỉ là thuốc lá mới nóng, hàng loạt mặt hàng có yếu tố lợi nhuận cao trong buôn lậu, gian lận... là điểm nóng. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây là tình trạng vẫn diễn ra nhức nhối ở nhiều địa phương, nhất là tình trạng buôn lậu thuốc lá, đường,... nguyên nhân là do chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh, dẫn đến hiện tượng nhờn pháp luật, các đối tượng buôn lậu cấu kết tinh vi, có hệ thống...
Bên cạnh đó, sự phối hợp của từng lực lượng phòng chống buôn lậu ở địa phương điểm nóng (hải quan, quản lý thị trường, công an) còn chưa chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến hiệu quả đấu tranh còn yếu. Mặt khác, chất lượng, chuyên môn, phẩm chất của lực lượng phòng chống buôn lậu cũng còn khoảng cách so với đòi hỏi thực tiễn... dẫn đến hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Thời gian tới, có 3 nhiệm vụ được đặt ra: Tăng cường hơn nữa phối hợp liên ngành để tổ chức đấu tranh chống buôn lậu quy mô lớn. Tiếp tục xem xét về mặt thể chế trong pháp luật, điều chỉnh chế tài buôn lậu thuốc lá. Kỳ họp vừa rồi Quốc hội có việc xem xét mức độ hình sự cho buôn lậu từ 1.500 điếu thuốc lá. Đây là cơ sở rất quan trọng. Thứ ba cần có quan điểm thống nhất trong chế tài chống buôn lậu thuốc lá. Ví dụ câu chuyện tái xuất thuốc lá lậu. Lợi ích mang lại không bao nhiêu nhưng nguy cơ rất lớn. Đây cũng là động thái tích cực, quyết liệt.
Bộ trưởng cho rằng cần phải nâng cao phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật của các lực lượng chống buôn lậu khi thực tế hiện nay yếu kém so với yêu cầu. Trong thời gian với, việc cho phép thành lập Tổng cục Quản lý thị trường theo ngạch dọc để thực hiện quản lý chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ Công Thương sẽ có cơ sở để đấu tranh hơn hiện tại.
Công nghiệp hỗ trợ yếu do cơ chế chính sách chưa đồng bộ
Về những tồn tại yếu kém, đặc biệt trong công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, yếu kém của công nghiệp hỗ trợ là do cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ; doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, khó tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực nên chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị lớn...
Ví dụ Nghị định 115 ban hành năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng cơ chế hạn chế, nhất là phối hợp bộ ngành. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam rất yếu, quá yếu trong khi đây lại là bộ phận chủ yếu tham gia. Sau khi có Nghị định 115, Bộ chủ động cùng bộ ngành tập trung giai quyết các vấn đề: Xây dựng chính sách hoàn thiện đồng bộ, hướng đến quan điểm mới là tham gia vào chuỗi để có thị trường rộng lớn hơn.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, xây dựng một loạt chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ, đào đạo nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị để mở rộng thị trường... Tới đây 3 trung tâm công nghiệp ô tô, dự án dệt may, năng lượng... sẽ là lĩnh vực tạo ra sự dẫn dắt tạo ra chuỗi, cơ sở cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.