Dẹp nạn "cát tặc" trên sông Hồng, sông Luộc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 1 tháng mở đợt cao điểm truy quét nạn cát tặc hút ruột lòng sông, đến nay trên địa bàn Hưng Yên đã không còn cảnh tàu thuyền tấp nập đi lại ngang nhiên khai thác cát trái phép. Sông Hồng và sông Luộc qua địa phận Hưng Yên đã bước đầu bình yên.

Trước đây, tình trạng khai thác cát trái phép đã trở thành "chuyện thường ngày" trên sông Hồng và sông Luộc. 

Theo người dân các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ: Cao điểm nhất là từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2013, trên nhiều đoạn sông, thường xuyên có hàng chục tàu cuốc lớn đến bơm hút trộm cát, mỗi ngày "móc ruột" lòng sông tới cả nghìn mét khối. 

Khi bị người dân theo dõi và lực lượng chức năng tuần tra, các tàu thường lén lút hoạt động khi trời tối, nhât là vào thời điểm về đêm hoặc sáng sớm. Dù các cơ quan chức năng của địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn xử lý, song tình hình vẫn không thuyên giảm.

Các tàu hút cát thường có hiện tượng "3 không." Đó là không số, không tên, lái tàu không bằng cấp đến từ các tỉnh ngoài như Phú Thọ, Hải Dương, Tuyên Quang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa... 

Do không mang biển hiệu nên các tàu cứ ngang nhiên khai hút cát trái phép, tung hoành trên sông. 

Nhiều tàu hoạt động suốt ngày đêm tại khu vực các xã Chí Tân, Đông Ninh, Hàm Tử, Bình Minh và Tứ Dân của huyện Khoái Châu; Mai Động, Phú Thịnh (Kim Động). Hầu hết số “cát lậu” được hút, bán trực tiếp cho các tàu khác tại giữa dòng sông.

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Theo những người dân xã Mai Động, huyện Kim Động, trung bình mỗi ngày một tàu có thể hút trộm trên 400m3 cát, mỗi tháng sẽ là hơn 12.000m3, trị giá 120 triệu đồng. Mỗi tháng khối lượng cát do "tập đoàn cát tặc" khai thác lên tới hàng triệu m3. 

Việc hút cát trái phép lên bãi không những ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên cát trên sông Hồng, ảnh hưởng đến dòng chảy mà còn làm cho nhiều diện tích canh tác ven sông của người dân bị nhiễm mặn.

Nguy hại hơn là nhiều vùng bị sạt lở hàng trăm mẫu đất chìm xuống lòng sông như ở Tân Hưng (thành phố Hưng Yên), Phú Thịnh (Kim Động) làm cho những bãi bồi phù sa màu mỡ dần bị tan biến. Nhiều dòng chảy bị đổi chiều, đe doạ an toàn đê điều trong mùa mưa bão, như đoạn đê bị xung yếu qua các xã Đại Tập, Hàm Tử, Tứ Dân, Tân Châu (Khoái Châu), Phụng Công, Thắng Lợi, Mễ Sở (Văn Giang)... nếu không ngăn chặn kịp thời nạn cát tặc, nguy cơ sạt lở đê kè trong mùa mưa bão luôn đe dọa.

Trước thực trạng nhức nhối trên, tháng 12/2013 tỉnh Hưng Yên đã mở đợt cao điểm kiên quyết xử lý ngăn chặn triệt để các tàu thuyền có hiện tượng hút cát trái phép, trả lại bình yên cho sông Hồng và sông Luộc. 

Hàng loạt các biện pháp mạnh đã được triển khai. Trong đó lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên đồng thời phối hợp với các tỉnh thành phố giáp ranh như Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình xây dựng quy chế trong quản lý, xử lý khai thác cát trái phép.

Công an tỉnh là lực lượng chủ chốt thường xuyên kiểm tra, điều tra xử lý các tàu hút cát, điều tra ngăn chặn tình trạng bảo kê nếu có. Do việc hút trộm cát mang tính chớp nhoáng, không cố định về thời gian và địa điểm nên lực lượng Công an các huyện phải lên phương án khá công phu để truy quét. Muốn bắt thành công một số vụ khai thác cát trái phép, phải dựa vào quần chúng nhân dân và chính quyền địa phương giám sát, phát hiện.

Do thực hiện quyết liệt, nên chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Công an huyện Kim Động đã bắt giữ 3 tàu hút cát mang biển hiệu HD 6688, PT 03394 và ND1194. Các tàu đều bị phát hiện bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên sông Hồng thuộc địa bàn thôn Hạnh Lâm xã Mai Động. 

Tại huyện Khoái Châu đã phát hiện và xử lý 6 vụ khai thác cát trái phép, xử phạt 135 triệu đồng, tịch thu 20 đầu máy và 2 tàu hút cát. Trước đó từ đầu năm 2012, Công an huyện Khoái Châu đã bắt 24 tàu, phần lớn là các tàu thuộc tỉnh ngoài vào hoạt động.

Trước đây, khu vực kè Phú Thịnh (Kim Động), Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) thường xuyên có hàng chục tàu hút cát ngày đêm cắm vòi rồng hút ruột lòng sông gây ảnh hưởng đến công trình kè, bãi sông và gây thất thoát tài nguyên. Đến nay, tình trạng này đã không còn, các tàu hút cát, tời cuốc cát giờ đã neo đậu vào bờ hoặc ngừng hoạt động. 

Dọc tuyến sông Hồng đã bình yên trở lại. Khu vực xã Mai Động, Đức Hợp (Kim Động), Đại Tập, Tân Châu (Khoái Châu) và một số điểm ở Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên tình trạng khai thác cát trái phép cũng đã không còn.

Mặc dù vậy, người dân Khoái Châu chưa hết lo lắng. Hiện nay dù "cát tặc" đã không còn ngang nhiên hoành hành vì ngành chức năng làm quyết liệt song nếu không kiểm soát, xử lý thường xuyên thì chỉ sau một thời gian, mọi việc sẽ lại tái diễn dưới hình thức tinh vi hơn. 

Lường trước hiện tượng này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, chỉ đạo các ngành công an, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, xây dựng phối hợp với các huyện ven sông Hồng, sông Luộc tiếp tục duy trì thường xuyên việc kiểm tra, xử lý nghiêm không để các tàu hút cát trái phép tái hoạt động trên sông Hồng và sông Luộc.