Dệt 19/5 Hà Nội: Nhiều triển vọng sau cổ phần hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/2 tới, hơn 89,8 triệu cổ phần (CP) của Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội sẽ được chào bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá khởi điểm 10.100 đồng/CP.

Kinh nghiệm, truyền thống của một thương hiệu may mặc lâu đời tại Việt Nam và những triển vọng của ngành dệt may trước ngưỡng cửa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những “điểm cộng” giúp thương hiệu Dệt 19/5 Hà Nội thêm hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thương hiệu may mặc hơn nửa thế kỷ

Dệt 19/5 Hà Nội trực thuộc UBND TP, được thành lập từ năm 1959 trên cơ sở hợp nhất một số cơ sở dệt tư nhân và các HTX dệt như Việt Thắng, Tây Hồ… DN này đã khá quen thuộc với người tiêu dùng trên thị trường nội địa và xuất khẩu (XK) với thương hiệu may mặc Hatexco, chuyên sản xuất và kinh doanh sợi cotton, vải bạt và sản phẩm may mặc dân quân tự vệ các loại…
Dây chuyền dệt máy suất khẩu tại Công ty TNHH MTV Dệt 19 - 5.  Ảnh  Thanh Hải
Dây chuyền dệt máy suất khẩu tại Công ty TNHH MTV Dệt 19 - 5. Ảnh Thanh Hải
Hiện nay, Dệt 19/5 Hà Nội đang sở hữu 3 nhà máy sản xuất chính (Nhà máy Dệt Hà Nam, Dệt Hà Nội, Sợi Hà Nam) và nắm giữ 35% vốn điều lệ của Công ty CP Dệt Minh Khai, sử dụng hơn 80.000m2 đất thuê tại Hà Nội và Hà Nam làm cơ sở sản xuất. Trong 3 năm từ 2012 - 2014, tổng doanh thu của Dệt 19/5 Hà Nội từ 338 - 543,4 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế từ 2,7 - 8,2 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Công ty, 70% doanh thu của DN đến từ hoạt động kinh doanh sản phẩm tại thị trường nội địa. Các sản phẩm của Dệt 19/5 phục vụ các nhà máy sản xuất giày vải XK; sản xuất chăn, ga, gối, đệm; sản xuất vải phục vụ quốc phòng và phục vụ dân sinh. 30% doanh thu còn lại đến từ hoạt động XK sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.

Nhiều cơ hội với TPP

Được UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án cổ phần hóa DN, dự kiến ngày 4/2, Dệt may 19/5 sẽ tiến hành bán cổ phần lần đầu (IPO) trên HNX, vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ dự kiến của Công ty sau cổ phần hóa là 267,4 tỷ đồng. Nhà nước tiếp tục nắm giữ 80,2 triệu CP, tương đương với 30% vốn điều lệ. Người lao động được mua ưu đãi 7,8 triệu CP; nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư mua qua hình thức đấu giá công khai đều được chào bán hơn 89,8 triệu CP.

Sau khi cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, Dệt 19/5 Hà Nội dự kiến mở rộng lĩnh vực hoạt động và đối tượng khách hàng. Công ty đặt mục tiêu giữ vững và phát triển thị trường nội địa và quốc tế, mở rộng kênh bán lẻ sản phẩm giúp ổn định quá trình sản xuất. Sản lượng của Công ty sẽ duy trì trong khoảng 6 triệu mét vải/năm, 6.000 tấn sợi/năm, 500.000 bộ quần áo/năm. Doanh thu sau 3 năm cổ phần hóa dự kiến đạt 600 tỷ đồng/năm, trong đó thị trường nội địa đạt 400 tỷ đồng/năm, thị trường XK ở mức 200 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ cổ tức trong 3 năm 2016 - 2018 lần lượt là 6%, 8% và 10%.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam hoàn tất ký kết Hiệp định TPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may nói chung, trong đó có Dệt 19/5. Các cam kết về thuế và thương mại trong TPP sẽ tác động mạnh mẽ đến các mặt hàng xuất nhập khẩu trong nước, đặc biệt Mỹ và Nhật Bản là những thị trường lớn và tiềm năng cho việc XK sản phẩm dệt may trong nước. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2015, XK dệt may sang thị trường các nước tham gia Hiệp định đã chiếm gần 70% trong tổng giá trị XK toàn ngành. TPP không chỉ tăng cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam tiếp cận ưu đãi vào thị trường Mỹ, mà còn nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng. Khi TPP có hiệu lực, các sản phẩm dệt may Việt Nam XK vào thị trường này sẽ được giảm thuế từ 16 - 17% xuống 0%. Điều này đồng nghĩa với việc thị phần nước ngoài của ngành dệt may còn tăng gấp đôi. Và với việc cổ phần hóa, Dệt 19/5 đang tạo những bước đón đầu phù hợp với xu thế chung.