“Di bút” trên di tích

Song Ngư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một nhà văn người Hà Nội nhưng đã vào Sài thành sinh sống, gọi điện cho tôi nói sẽ ra thăm Hà Nội cùng một người bạn Canada và ngỏ ý muốn tôi đưa đi thăm Thủ đô.

Ông là vậy, năm nào cũng ra thăm Hà Nội một đôi lần, nhưng lần nào Hà Nội cũng để lại trong ông nhiều xúc cảm và cả những nỗi trăn trở.
Tôi vốn ngại vào khu phố cổ Hà Nội vì hay lạc đường. Nhưng nhà văn động viên: Nếu TP là một cơ thể sống, thì Phố Cổ chính là linh hồn của nó. Linh hồn của Phố Cổ lại là những di tích lịch sử, những điểm tham quan văn hóa rất cần và nên đến không chỉ một đôi lần. Vậy là, chúng tôi cùng đi bộ dọc cầu Long Biên, cây cầu được xem như một biểu tượng không chính thức của TP Hà Nội - một trong số những cây cầu cổ nhất TP. Ngày nay, cầu Long Biên là một giá trị tinh thần không thể thiếu đối với người Hà Nội. Chính vì thế, hai ông đi dạo với rất nhiều cảm xúc, đặc biệt là ông bạn Canada của nhà văn.

Chi chít những dòng chữ vẽ bậy ở tháp Hòa Phong trước khi có bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Ảnh: Linh Anh

Ông ấy có vẻ rất ngạc nhiên khi thấy những chiếc khóa tình yêu đang nằm gỉ sét trên thành cầu. Ông nói đã đến thăm một số cây cầu được chất đầy khóa tình yêu trên thế giới, ở Việt Nam, cụ thể là cầu Long Biên cũng có khóa tình yêu, chỉ có điều ít thôi, mà thứ nhiều nhất ở đây là… chữ. Ông chỉ tay lên những dòng chữ được viết bằng bút xóa trắng dùng trong trường học, mỉm cười ý nhị hỏi chúng tôi: “Họ nói điều gì vậy?”. Nhà văn nhìn tôi khẽ lắc đầu. Có lẽ ông chưa biết giải thích cho bạn hiểu thế nào về ý nghĩa của những dòng chữ, khi bản thân chúng… chẳng có nghĩa gì hết.
Bây giờ, tôi vẫn nhớ nụ cười ý nhị của người khách nước ngoài hôm ấy. Ông nhà văn đã đưa bạn đi khắp TP, đến đền Ngọc Sơn, dạo quanh Hồ Gươm thơ mộng và dĩ nhiên không thể không đến thăm Văn Miếu, chùa Một Cột. Bất cứ đâu tôi cũng thấy vị khách khẽ chạm tay đầy trân trọng lên các hiện vật của di tích và nếu tinh ý, có thể nhận ra nét nhíu mày khi thấy những hiện vật bị phủ đầy… những dòng chữ như ở cầu Long Biên.
Ở Hà Nội hiện tại, dường như bất cứ di tích nào cũng bị những “di bút” bám một cách vô lối như Chuông Nhà Thái Học trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Tháp Hòa Phong nằm bên bờ hồ Hoàn Kiếm, những bức tường trong Hoàng Thành Thăng Long, di tích Cửa Bắc… Ngay cả những cây cầu dành cho người đi bộ bắc qua đường phố cũng chen chúc chữ và hình vẽ. Nói cách khác, cứ chỗ nào viết được, vẽ được là người ta ra sức “dốc bầu tâm sự”, hô khẩu hiệu, tuyên ngôn hoặc… quảng cáo.
Nhà văn cho rằng việc chuông nhà Thái Học, rùa đá đội bia ở Văn Miếu hay ở các ngôi chùa trong TP bị viết những lời nguyện cầu đỗ đạt, thành công là vì họ tin rằng khi những điều đó “đậu” lên những nơi linh thiêng đó, thì nguyện ước của họ sẽ thành hiện thực. Cũng chính điều đó mà Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ, Huế chìm trong vấn nạn viết vẽ. Những người mê tín cho rằng mong muốn điều gì ghi lên chuông, khi tiếng chuông phát ra sẽ đến tai chư Phật và mong ước sẽ thành sự thật. Vì vậy, họ coi Đại hồng chung như một chiếc bảng, kín dòng chữ cầu an, cầu tình yêu.
Ngoài những kiểu niềm tin cầu nguyện như thế, những dòng chữ kiểu như “A yêu B”, cầu nguyện tình yêu, thậm chí chửi bới, nguyền rủa ai đó, có khi chỉ đơn giản là “ A, B,C… đã đến đây” thì… không hiểu nổi. Do vui tay, do một nhu cầu giải tỏa, hay đơn giản là… thích thì viết. Không hiểu đó là dấu hiệu của triệu chứng tâm lý gì, hay họ lo sợ bị lãng quên, sợ không ai biết họ tồn tại, nói cách khác, họ sợ không được khẳng định bản thân? Còn lại, nhìn bề ngoài, có thể trách một câu khá nhẹ nhàng là “còn thiếu ý thức”, nặng hơn thì là “thiếu văn hóa”. Nhiều bài báo gần đây còn quy tội cho những người làm việc “thiếu ý thức” này là phá hoại di tích, công trình công cộng.
Bây giờ, các biện pháp chống vấn nạn “Phá hoại di tích” như tuyên truyền, cấm tham quan, phạt nặng chỉ là tạm thời và khó triệt để. Vậy thì Hà Nội văn minh đang mong đợi những hành động văn minh từ những người trẻ, những du khách về Thủ đô, mong họ đừng tự biến mình thành một người Việt xấu xí.