Đi chậm mà chắc

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ bài học thất bại sau lần khởi nghiệp đầu tiên, Phạm Thùy Châm – Giám đốc Công ty CP Owin Việt Nam đã đứng lên tái khởi nghiệp và gặt hái được thành công nhờ chiến lược “đi chậm mà chắc”.

Thất bại là mẹ của thành công
Phạm Thùy Châm tốt nghiệp cử nhân ngành tài chính DN của Học viện Tài chính. Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, cô sinh viên Thùy Châm đã ấp ủ ước mơ khởi nghiệp sau khi ra trường. Để trau dồi kiến thức cho bản thân, Châm đầu tư học thêm ở trường đào tạo doanh nhân PTI, cũng như các khóa đào tạo quản trị DN tinh hoa. Ra trường với tấm bằng cử nhân ngành Tài chính DN cùng một kho kiến thức lý thuyết về quản trị DN, Châm hăm hở bắt tay vào khởi nghiệp. Năm 2015 cô huy động vốn từ người thân, bạn bè và nhờ sự trợ giúp của gia đình mở Công ty TNHH Lovie, hoạt động về lĩnh vực thương mại điện tử. Châm kể: “Thời điểm đó, tôi rất tự tin với kiến thức mà mình đã trang bị được. Tôi tham vọng xây dựng một sàn thương mại điện tử tầm cỡ như tập đoàn Alibaba của Trung Quốc”.
 Giám đốc Công ty CP Owin Việt Nam (thứ 3 từ trái qua). Ảnh: Phương Nga
Với tham vọng phát triển công ty lớn nhanh, Châm tuyển một lúc hơn 20 nhân sự và thuê văn phòng công ty với mức thuê vài chục triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Châm còn thuê thêm 2 đội nhóm hỗ trợ về truyền thông, công nghệ, đổ tiền ồ ạt để thực hiện các chiến dịch truyền thông, khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng. Trong đó có sự kiện hoành tráng “Sức mạnh thương hiệu Việt”. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức về mặt công nghệ nên sàn thương mại điện tử đã không thành công theo kế hoạch. Nhưng sau sự kiện, do không thu được tiền từ các DN, lại phải chi phí nhiều, Châm tiêu sạch hơn 600 triệu đồng tiền vốn. Cùng lúc phải chi phí trả cho nhân viên, đội nhóm, tiền thuê nhà đã khiến Châm lao đao, không thể xoay xở kịp và phá sản sau đó vài tháng.

“Thất bại này, giúp tôi cay đắng ngộ ra, vấn đề không phải là đi nhanh đến đâu mà là có thể tồn tại trong bao lâu? Ý tưởng đột phá chẳng có ý nghĩa gì khi không đem lại doanh thu, đồng nghĩa với bạn không có tiền để tồn tại” – Châm thổ lộ. Cô gái rút ra một bài học xương máu đó là nên biết lượng sức mình, với những người không có tiềm lực mạnh về kinh tế thì không nên làm lớn ngay ban đầu, quan trọng là công ty phải sống được, trong vòng 3 tháng phải có nguồn thu. Ngoài ra, khi chưa có nhân sự nổi trội về công nghệ thì không nên tham đầu tư. Bài học thứ hai là phải có thành công nhỏ trước, để tạo nền tảng cho thành công lớn. Bài học thứ ba là phải “năng nhặt chặt bị”. Cuối cùng, phải duy trì hoài bão khởi nghiệp, không bỏ cuộc trong mọi tình huống.

Lựa chọn thị trường ngách

Năm 2018, Châm bắt tay vào tái khởi nghiệp với việc thành lập Công ty CP Owin Việt Nam, vẫn về lĩnh vực thương mại điện tử với website: www.owin.vn. Lần này Châm chọn hình thức cổ phần, liên kết với những chuyên gia, cùng làm cùng hưởng, trong đó Châm là người lãnh đạo, đưa ra đường hướng cho công ty. “Rút kinh nghiệm lần khởi nghiệp trước, lần này, Owin đi chậm mà chắc” – Châm cho hay. Ngoài ra Châm cũng tổ chức tinh gọn bộ máy, không tuyển nhân viên một cách ồ ạt mà tập trung tuyển những nhân viên giỏi.

Nếu như trước kia Châm đặt nặng về mặt công nghệ thì nay cô thiên về mặt cộng đồng. Sản phẩm mà Châm hướng đến là sản phẩm Việt chất lượng cao. Chia sẻ về lý do đi vào sản phẩm ngách là các mặt hàng truyền thống của Việt Nam, Châm cho biết thị trường Việt Nam hiện đang bị chiếm lĩnh bởi các hàng hóa nước ngoài, trong khi các sản phẩm trong nước chất lượng cao lại không tiếp cận được khách hàng. Nếu được đầu tư về mẫu mã và truyền thông tốt thì các sản phẩm truyền thống của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để chiếm lĩnh thị trường. “Để tồn tại và phát triển bền vững, tôi chú trọng khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm và hoàn thiện dịch vụ. Hai yếu tố sẽ tạo nên khác biệt so với các đối thủ và giữ chân người dùng” – Châm bộc bạch.

Hiện công ty đang triển khai Dự án “Thương hiệu Việt - Phủ sóng và trường tồn” với chuỗi các chương trình quảng cáo truyền thông sáng tạo, duy nhất tại Việt Nam giúp đưa thương hiệu Việt lên một tầm cao mới. Dự án sử dụng các công nghệ 4.0 (AI, Bigdata), công nghệ 4D… và Marketing 0 đồng. Khi DN có sản phẩm tham gia dự án sẽ được thực hiện các chương trình truyền thông ngay lập tức đến hàng triệu người dùng Việt Nam. Dự án còn xây dựng kênh truyền hình livestream dành riêng cho Thương hiệu Việt, từ đó tạo ra ấn tượng về sản phẩm in đậm tâm trí khách hàng tiềm năng, tạo đột phá về giá trị sản phẩm và doanh thu. Hiện chương trình đã thu hút được rất nhiều DN tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Từ nguồn nhân lực là các chuyên gia của công ty, hiện Owin còn phát triển thêm mảng đào tạo. Các lớp đào tạo không chỉ mang về nguồn thu cho công ty, mà còn góp phần tạo ra cộng đồng khách hàng. Tuy mới đi vào hoạt động được gần một năm, nhưng Công ty CP Owin Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, tiếp cận được hơn 100 DN Việt Nam. Mục tiêu trong năm 2019 của Châm là tiếp cận 1.000 DN Việt, đem về doanh thu 1 triệu USD cho công ty.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần