Đi chợ Việt ở Australia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giống như nước Mỹ, Australia cũng là quốc gia đa chủng tộc, trong đó có cộng đồng người Việt. Mặc dù xa xứ nhưng người Việt Nam sinh sống ở Australia vẫn luôn cố gắng lưu giữ nét văn hóa truyền thống thông qua việc tổ chức các khu chợ kinh doanh hàng Việt…

“Chợ quê” ở Sydney

Chị Thanh Phương - một Việt kiều sinh sống ở Sydney (tiểu bang New South Wales) cho biết: Sydney có gần 60.000 người Việt sinh sống nhưng ở cách nhau khá xa nên không phải lúc nào cũng có thể gặp gỡ, trò chuyện. Nếu muốn được thỏa “cơn nghiền” nói chuyện bằng tiếng Việt cho đỡ nhớ nhà, hoặc muốn mua đồ nấu món Việt thì phải chịu khó chạy xe khoảng 30 - 40 phút ra khu Cabramatta - nơi có khu chợ Việt mang đậm nét văn hóa quê nhà.
Sản phẩm sơn mài Việt Nam bày bán tại Melbourne.
Sản phẩm sơn mài Việt Nam bày bán tại Melbourne.
Đến đây mới thấy lời giới thiệu ấy quả không ngoa, 100% biển hiệu cửa hàng đều bằng tiếng Việt. Người mua, kẻ bán cứ tiếng Việt mà “nổ” râm ran. Khu chợ Việt có tên là Thương xá Tân Bến Thành - một trong những siêu thị cung cấp thực phẩm Việt Nam lớn nhất tiểu bang. Không khí nơi này không khác mấy các khu chợ ở Việt Nam. Người mua cũng túi to túi nhỏ và tiếng gọi nhau í ới cùng những khuôn mặt, giọng nói Việt khiến ai đến cũng đều cảm nhận được một phần không gian quê nhà. Ngay bên cửa ra vào, một sạp báo có đủ các loại báo tiếng Việt do người Việt Nam ở Australia xuất bản xoay quanh chủ đề sức khỏe, nấu ăn, du lịch... Điều đáng ngạc nhiên là nếu như hàng hóa bày bán ở hầu hết các siêu thị trên đất Australia được xếp ngay ngắn đúng quy cách thì nơi đây vẫn buôn bán kiểu “lấn chiếm, cơi nới diện tích” của người Việt.

Một nét “văn hóa độc đáo” ở khu chợ này là những gánh hàng rong giống như ở các chợ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Dinh, đã ngoài 70 tuổi đang bày bán mấy mớ sả, ớt ngay lề đường, bảo: Ở xứ này, con cháu bận công việc nên ít có dịp nói chuyện, ra đây bán hàng chủ yếu để  phần nào quên đi nỗi buồn tha hương. Bà khoe, rau thơm, thậm chí cả rau muống đều do chính tay người Việt trồng. Là hàng “độc” nên những loại rau này có giá khá “chát”: 1kg rau ngổ hoặc mùi tàu có giá 60 đô la Australia (AUD), rau húng quế 45 AUD, rau diếp cá và rau răm 35 AUD. Rau muống là mặt hàng rất hút khách mua mặc dù giá không hề rẻ, 4 - 6 AUD/kg (1AUD tương đương khoảng 16.000 - 16.500 VND).

Mỗi khi Tết đến, Xuân về, cộng đồng người Việt ở Sydney, Melbourne còn tổ chức phiên chợ Tết bày bán những mặt hàng thực phẩm mang hương vị Tết quê hương như bánh chưng, bánh tét, mứt... Các loại bánh chưng, bánh tét chủ yếu chuyển từ Việt Nam sang nên giá tương đối cao (16 AUD/chiếc bánh chưng, 13 AUD/chiếc bánh tét). Các loại mứt Tết đều có giá từ 8 - 10 AUD/kg. Thậm chí, chợ Việt ở Melbourne còn nhập từ Việt Nam vàng mã, hương đèn phục vụ nhu cầu cúng bái, lễ chùa...

Cà phê thơm, trái vải ngọt

Tại khu chợ Việt, khá nhiều người đang ngồi nhâm nhi cà phê, mùi thơm phức từ xa đã thấy “lên cơn”! Thấy tôi bước vào, cô bé phục vụ quán đến hỏi: “Chú dùng gì?”. “Sao biết chú là người Việt mà hỏi bằng tiếng Việt?”. Cô bé cười: “Những người đến đây ăn sáng, uống cà phê toàn người Việt, nếu là “Tây” thì cũng lấy vợ Việt hoặc đã nhiều lần đi du lịch Việt Nam”. Khi tôi gọi cho một ly cà phê Cappuccino, cô bé ngạc nhiên bảo: “Chắc chú mới sang đây lần đầu? Bởi người Việt định cư ở đây chỉ uống cà phê Trung Nguyên, Vinacafé chứ không thích cà phê ngoại như chú”. Thế là tôi gọi một ly cà phê Trung Nguyên và chắc mẩm sẽ phải uống cà phê pha sẵn, thế nhưng cô bé đem ra phin cà phê pha theo đúng cách mà các quán cà phê ở Hà Nội vẫn pha cho khách. Khi tôi thắc mắc, giá bán đắt như vậy (6 - 7 AUD/ly), chắc đây là “hàng xách tay”, cô bé cho biết, cà phê Trung Nguyên xuất khẩu sang đây nhiều lắm, không phải hàng “xách tay”. Rẽ vào khu chợ Việt mới thấy quả là không sai. Ở đây, hầu như tất cả các cửa hàng tạp hóa đều bày bán cà phê Trung Nguyên, từ loại pha phin đến pha sẵn.
Vải thiều Lục Ngạn bày bán ở chợ Việt Footscray tại Melbourne.    Ảnh: Hoài Nam
Vải thiều Lục Ngạn bày bán ở chợ Việt Footscray tại Melbourne. Ảnh: Hoài Nam
Tháng 7 ở Australia là mùa Đông nên đa phần hoa quả đều phải nhập khẩu, trong khi ở Việt Nam đang mùa thu hoạch nhiều loại hoa quả, nhất là vải thiều. Nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều, Bộ Công Thương Việt Nam đã mất 12 năm đàm phán với Australia để có được cái “gật đầu” đồng ý. Thông tin vải thiều được xuất khẩu sang Australia đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập ở xứ “chuột túi”. Tại khu chợ Footscray - một trong những khu vực tập trung cộng đồng người Việt của TP Melbourne, tôi gặp anh Nguyễn Tú, hành nghề kiến trúc sư gần 20 năm ở Australia. Anh Tú tâm sự: Quả vải tươi với người dân Australia là mặt hàng xa xỉ, bởi giá khá cao. Những lần thèm, anh phải đến đại siêu thị Woolworths mua vải Trung Quốc, Thái Lan đóng hộp giá 10 - 12 AUD/hộp 500g. Dù giá khá đắt nhưng vải Trung Quốc nhỏ và không ngọt như vải thiều Việt Nam. Vừa rồi, khi cùng vợ đi siêu thị, thấy bày bán quả vải Việt Nam, mặc dù giá tương đối cao, lên đến 21,99 AUD/kg (tương đương 350.000 đồng) nhưng anh vẫn mua nguyên 1 thùng 4,5kg. “Vải nước mình tươi, ăn thơm, ngọt và mọng nước. Nhấm nháp từng quả, tôi rớt nước mắt vì mừng và nhớ quê” - anh tâm sự. Bà chủ siêu thị Đồng Khánh ở khu chợ Footscray cho biết: Sau khi siêu thị bày bán vải thiều Việt Nam, rất đông Việt kiều và người dân Australia tìm đến mua. Hy vọng vào vụ thu hoạch sau, trái vải thiều Việt Nam sẽ có mặt phổ biến hơn tại các cửa hàng, siêu thị ở Australia.

Mặc dù vải thiều Việt Nam đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng xứ sở kangaroo nhưng nhiều người vẫn phàn nàn giá còn đắt so với các loại hoa quả như cam Naven và táo (chỉ từ 1 - 3 AUD/kg), thậm chí quả cherry Mỹ nhập khẩu lúc đắt nhất cũng chỉ 12 - 13 AUD/kg. Tại khu chợ Footscray, tôi may mắn gặp được đại diện Tổng Công ty Export - một trong những DN nhập khẩu, tiêu thụ vải thiều tại thị trường Australia, anh cho biết: Vận chuyển quả vải sang Australia tiêu thụ là cả một kỳ công. Quả vải sau khi được lựa chọn phải đưa vào TP Hồ Chí Minh chiếu xạ rồi mới vận chuyển bằng máy bay sang Australia, khiến giá thành tăng vọt. Nếu bán dưới 22 AUD/kg thì không có lãi. Giá cao, nhưng hầu hết bà con đều có chung niềm tự hào khi thấy quả vải Việt Nam xuất hiện ở các sạp hàng tại Australia, nên mọi người đều hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, họ vẫn mong muốn trong vụ vải thiều năm sau, các DN nhập khẩu cần xem xét lại giá cả cho phù hợp để trái vải Việt Nam có thể duy trì sự có mặt ở thị trường xứ “chuột túi” lâu hơn, qua đó mở đường cho những loại trái cây khác như mít, sầu riêng, măng cụt...