Di chúc của Bác vẫn nóng hổi tính thời sự

Trần Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ bản Di chúc, tư tưởng của Bác soi sáng cho công cuộc đổi mới nói chung, xây dựng Đảng nói riêng như là một sự tổng kết chính từ thực tiễn chứ không phải giáo điều.

 PGS.TS Bùi Đình Phong (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Đó là điều PGS.TS Bùi Đình Phong (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), người đã nhiều năm nghiên cứu về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định trong cuộc trao đổi với  báo Kinh tế & Đô thị, nhân dịp 129 năm ngày sinh của Người.
Quốc bảo cho công cuộc đổi mới

Ông đã có nhiều năm nghiên cứu về di sản của Bác. Với ông, đâu là điểm đặc biệt ấn tượng nhất trong Di chúc?
- Có thể nói rằng, Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, đúc kết cuộc đời của Bác, kết tinh tư tưởng, tình cảm, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của một lãnh tụ, một vĩ nhân cả một đời vì nước, vì dân, tận tâm tận lực cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại là cực đại, với bản thân mình không có gì riêng.
Qua nghiên cứu có thể thấy rằng, Di chúc chính là quốc bảo mang tinh thần, sinh khí của công cuộc đổi mới. Bao trùm và xuyên suốt như là sợi chỉ đỏ của bản Di chúc là những tư tưởng lớn về xây dựng đất nước sau chiến tranh theo tinh thần đổi mới. 
Trong Di chúc của Bác, vấn đề xây dựng Đảng và công tác cán bộ được đề cập đến ra sao, thưa ông?
- Nội dung Di chúc mang tính thời sự nóng hổi. Nhiều vấn đề trọng đại của Đảng, Nhà nước, của đất nước được đề cập trong các nghị quyết gần đây, đã được Di chúc nói đến. Chẳng hạn đó là vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vấn đề con người, chăm lo đời sống Nhân dân, vai trò của Nhân dân, đoàn kết, dân chủ...
Trong đó, xây dựng Đảng là điểm nhấn trong Di chúc. Những gì chúng ta đang nói về xây dựng Đảng cũng nằm trong mấy câu trong Di chúc của Bác. Năm 1965, Bác viết trong Di chúc “trước hết nói về Đảng”, nhưng nội dung chưa cụ thể, đến bản bổ sung năm 1968, Bác lại viết “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng”, tức là bàn về nội dung. Điều đó cho thấy tầm nhìn trong tư tưởng của Người.
Vậy chỉnh đốn lại Đảng là chỉnh đốn gì, như thế nào? Trong Di chúc đã nói rõ, “chỉnh đốn Đảng để mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên toàn tâm, toàn ý phục vụ Nhân dân”. Người ý thức rất rõ về hai mặt tốt, xấu của quyền lực và mối quan hệ giữa quyền lực với đạo đức. Có quyền trong tay, sẽ có hai xu hướng. Một là dùng quyền lực để phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, Bác Hồ chính là tấm gương sáng nhất và đội ngũ cán bộ thời đó cũng vậy. Xu hướng thứ hai là một bộ phận cán bộ không ý thức được, lại dùng quyền lực để phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Thậm chí có người nghĩ rằng quyền đó là của cá nhân mình nên phân phát, tìm người nhiều tiền để “bán” quyền.
Không chỉ đến Di chúc, mà trước đó Bác đã chỉ rõ rất rõ những căn bệnh của quyền lực. Từ thập kỷ 40, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””. Nên trong Di chúc Bác chỉ rất rõ, cán bộ có quyền thì phải giữ đạo đức trong sáng, thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân.

Sáng rõ hơn tư tưởng vì dân
Soi rọi vào tư tưởng trong Di chúc của Bác và qua thực tiễn, ông đánh giá thế nào về kết quả trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua?
- Trước hết phải khẳng định rằng, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện chúng ta cũng đang làm mạnh và đạt kết quả đáng khích lệ. Chúng ta đã có quyết tâm chính trị lớn, hàng loạt Nghị quyết quan trọng được ban hành, từ Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, khóa XII, rồi Quy định về trách nhiệm nêu gương… Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng kể ấy, so với mong muốn của Nhân dân và đòi hỏi của một Đảng lãnh đạo thì phải cố gắng hơn nữa.
Như Di chúc của Bác đã chỉ đến một vấn đề đang rọi chiếu vào hôm nay là chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng - không chỉ là vật chất mà quan trọng là tổ chức, con người, tư tưởng - để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi.
Và trong Di chúc, Người cũng xác định đây là cuộc chiến đấu khổng lồ. Muốn giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ đó thì cần có một động lực, sức mạnh không gì ngăn cản được đó là Nhân dân. Như Bác đã viết, Đảng phải biết “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Nếu ta hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh là vì Nhân dân và do Nhân dân, thì đây không chỉ là vấn đề của Di chúc mà còn là sự kết tinh toàn bộ tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp của Hồ Chí Minh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nội dung Di chúc mang tính thời sự nóng hổi. Nhiều vấn đề trọng đại của Đảng, Nhà nước, của đất nước được đề cập trong các nghị quyết gần đây, đã được Di chúc nói đến. Chẳng hạn đó là vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vấn đề con người, chăm lo đời sống Nhân dân, vai trò của Nhân dân, đoàn kết, dân chủ...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần