Di chuyển cây xanh để thi công đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long: Sẽ trồng lại đúng quy hoạch và đẹp hơn

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để GPMB, phục vụ thi công đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, 1.315 cây xanh sẽ phải cắt tỉa, di chuyển hoặc chặt hạ.

Hiện, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo Sở Xây dựng, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải hết sức thận trọng, tham vấn ý kiến chuyên gia để đưa ra kế hoạch cụ thể, chính xác nhằm xử lý số cây nêu trên.

Bắt buộc phải di dời

Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long là một trong 8 công trình giao thông cấp bách của Hà Nội, đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai theo cơ chế đặc thù. Thống kê sơ bộ dọc tuyến đường dài 5,5km này hiện có 1.315 cây xanh trong diện phải GPMB. Trong đó, đề xuất đánh chuyển 158 cây, giữ lại 142 cây và hơn 1.000 cây còn lại sẽ phải chặt hạ. Các cây phải chặt hạ có đến 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4 - 1,2m; số ít còn lại là sấu, hoa sữa và phượng.

Hàng cây xanh bên cạnh công trường xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Phạm Hùng

Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Văn Duân cho biết, việc chặt hạ, di chuyển số cây xanh trên là bắt buộc. Dự án đường Vành đai 3 hiện đang triển khai GPMB phục vụ cả 2 hạng mục: Đường trên cao do Bộ GTVT làm chủ đầu tư; và mở rộng tuyến đường dưới thấp do TP Hà Nội đầu tư thực hiện. “Theo đúng kế hoạch thì việc GPMB, bao gồm cả đánh chuyển, di dời 1.315 cây xanh phải hoàn thành xong trước ngày 30/9 để đảm bảo thi công dự án xong trước 30/12. Tuy nhiên, theo tính toán thì việc xử lý số cây trên mặt bằng dự án sẽ có thể kéo dài đến gần một năm” - ông Duân cho hay. Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã đề xuất với UBND TP cho phép thực hiện đánh chuyển, chặt hạ 269 cây thuộc 3 đoạn tuyến trọng điểm tại: Km2+790 - Km3+640; Km3+700 - Km4+620; Km3+114,04.

Giám đốc Ban điều hành Tổng Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị UDIC Trịnh Minh Tiến thông tin thêm, hiện số cây nói trên đang nằm ngay tại trung tâm khu vực công trường dự án, bên dưới lại vướng các hạ tầng ngầm, nếu không di chuyển được thì không thể tiếp tục xử lý mặt bằng, phục vụ thi công. Như vậy, tuyến đường trọng điểm Vành đai 3 đang có nguy cơ chậm tiến độ, phát sinh thêm chi phí “khủng” nếu không kịp thời GPMB, trong đó có việc di chuyển, chặt hạ những cây xanh đang án ngữ suốt chiều dài dự án.

Phân loại để xử lý

Trong số 1.315 cây phải GPMB phục vụ dự án có 158 cây được đề xuất di chuyển vào vườn ươm, 142 cây chỉ cần cắt tỉa gọn và có tới 986 cây xà cừ, cùng khoảng 30 cây sấu, hoa sữa… đường kính từ 0,4 - 1,2m thuộc diện cần chặt hạ. Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Văn Duân chia sẻ quan điểm cá nhân: Những cây trong diện GPMB, nếu có đường kính trên 50cm và có nhiều công trình ngầm phía dưới thì nên chặt hạ. Bởi dù có di chuyển đến nơi trồng lại thì khả năng sống và tiếp tục phát triển của những cây này cũng rất thấp; hơn nữa, chi phí di chuyển sẽ vô vùng lớn, lớn hơn cả chi phí ươm trồng cây mới. Ủy viên Hiệp hội Cây xanh Việt Nam, Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng Đặng Anh Thư cũng đánh giá, căn cứ trên đặc tính sinh trưởng thì cây xà cừ có đường kính trên 50cm cần phải thay thế, bởi việc trồng lại sẽ rất khó khăn.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không có phương án khả thi nào để giữ lại cây mà vẫn thi công được công trình đường Vành đai 3. Bên cạnh đó, TP cũng đang xem xét việc thay thế cây xà cừ bằng những chủng loại cây khác, phù hợp với không gian đô thị Hà Nội, nên việc chặt hạ những cây có đường kính trên 50cm, án ngữ trên mặt bằng dự án là phù hợp.

Hiện, UBND TP Hà Nội vẫn chưa phê duyệt kế hoạch chặt hạ, di chuyển 1.315 cây xanh để thi công đường Vành đai 3, Sở Xây dựng cũng chưa cấp phép cho các đơn vị thực hiện. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cho rằng: “TP thận trọng với vấn đề cây xanh là đúng, tuy nhiên, dự án cũng không thể kéo dài tiến độ, chậm ngày nào tốn kém ngày đó. Khi thiết kế, tuyến đường cũng đã có cả hạng mục cây xanh, bây giờ chặt hạ, sau này trồng lại theo đúng quy hoạch sẽ đẹp và phù hợp hơn”.

Xà cừ có một số tác động không tích cực đến kiến trúc cảnh quan của đô thị; đặc biệt việc phát triển u bướu và bộ rễ cây, tác động đến hệ thống ngầm và không gian vỉa hè.

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội