Di dời bộ, ngành, trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô Hà Nội: Đủng đỉnh đến bao giờ? - Bài 2: Băn khoăn di dời các cơ sở y tế

Vân Hằng – Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã thực hiện nhiệm vụ được giao là giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cơ sở mới cho các bệnh viện (BV) để phục vụ việc di dời.

Tuy nhiên, Bộ Y tế, đơn vị được Thủ tướng giao chủ trì lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời cơ sở y tế ra khỏi nội thành dường như vẫn "án binh bất động"?
Lác đác dịch chuyển

Tại địa bàn Hà Nội tập trung phần lớn BV tuyến T.Ư khu vực phía Bắc. Riêng 4 quận trung tâm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, hệ thống y tế này nhiều năm nay quá tải, công suất hoạt động trên 200%. Hoạt động của nhiều BV trên cùng một địa bàn thời gian qua đã tạo sức ép lớn đến hạ tầng đô thị.

Theo tìm hiểu của phóng viên, về phía các cơ sở y tế, BV K, BV Nội tiết T.Ư đã xây dựng xong cơ sở 2 và đưa vào hoạt động ở Thanh Trì. Tuy nhiên, những cơ sở cũ trong nội đô chưa bàn giao lại quỹ đất cho Hà Nội. Tại phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm), nơi "đóng đô" của BV Hữu nghị Việt - Đức “không có vỉa hè” dành cho người đi bộ. Trong khuôn viên của BV không có chỗ gửi xe nên mặt tiền BV trở thành bãi giữ xe. Phía vỉa hè bên kia của phố Phủ Doãn cũng tấp nập các hàng quán phục vụ. Khoảng trống trên vỉa hè, người bán hàng rong ngồi la liệt. Cách BV Việt - Đức chỉ vài bước chân, các BV tuyến cuối như BV Phụ sản T.Ư, BV K, BV Răng - Hàm - Mặt, tình trạng cũng tương tự…

Bệnh viện Bạch Mai là một trong những bệnh viện sẽ được di dời. Ảnh: Công Hùng

Thực tế, 2 BV tuyến T.Ư là BV Việt Đức, BV Bạch Mai trong danh sách di dời đã được bố trí cơ sở 2 ở Hà Nam. Dù vậy, đang trong quá trình xây dựng và sẽ sớm đưa vào sử dụng. Còn lại các cơ sở thuộc diện di dời, được phê duyệt quy hoạch đất xây dựng các BV mới gồm: BV Mắt T.Ư cơ sở 2 tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm; BV Phụ sản T.Ư cơ sở 2 tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, BV Nhi T.Ư cơ sở 2 ở Quốc Oai, còn lại các BV khác như BV Châm cứu T.Ư, BV Y học cổ truyền T.Ư, BV Tai Mũi Họng T.Ư, BV Lao và Bệnh phổi T.Ư, BV Đại học Y Hà Nội chưa biết đến khi nào mới thực hiện di dời.

Đáng chú ý, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng định hướng hình thành tổ hợp y tế cho các BV T.Ư, tại: Gia Lâm - Long Biên (50ha), Hòa Lạc (200ha), Sóc Sơn (100ha), Phú Xuyên (200ha), Sơn Tây (50ha). Song, đến nay Bộ Y tế chưa xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cơ sở y tế tại nội thành như nhiệm vụ Thủ tướng giao.

PGS.TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc BV Nội tiết T.Ư chia sẻ, BV Nội tiết T.Ư là BV đầu tiên đi vay vốn ngân hàng để xây dựng cơ sở 2 tại Tứ Hiệp (Thanh Trì). Hiện nay BV phải hoạt động để nuôi 700 cán bộ công nhân viên và trả món nợ 500 tỷ đồng. Hạn đến năm 2020 món nợ mà BV phải trả là 110 tỷ đồng/năm. Do lĩnh vực hoạt động mang ý nghĩa nhân văn nên số nợ trên hết sức nặng nề. Khi xây cơ sở 2, giảm tải rất nhiều cho cơ sở 1 ở Thái Thịnh. Bệnh nhân nội trú có sự chuyển dịch, 2/3 bệnh nhân điều trị tại cơ sở 2 nhưng cơ sở 1 vẫn còn 1/3 bệnh nhân nằm điều trị. Họ vẫn đến do thói quen, theo địa lý, BV không thể đuổi dân đi. Trong khi, cơ sở 1 ở Thái Thịnh hiện tại xuống cấp nên BV muốn đầu tư để cải tạo nhằm đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho dân. Chủ trương này cũng được Bộ Y tế đồng ý nhưng nguồn đầu tư hiện nay BV chưa tìm được.

Trong khi đó, Phó Giám đốc BV K Phạm Lương An cho biết, vào tháng 4/2014, BV thực hiện kế hoạch di chuyển, sắp xếp lại toàn thể BV K ở cả 3 cơ sở: Quán Sứ, Tam Hiệp, Tân Triều. Vì thế, cơ sở tại Quán Sứ và Tam Hiệp, giảm số lượng bệnh nhân rõ rệt do cơ sở mới tại Tân Triều hoạt động hiệu quả. Trong định hướng chiến lược phát triển BV, cơ sở Quán Sứ chuyển đổi thành Viện nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia trực thuộc BV K, có chức năng nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để phục vụ cho nghiên cứu tại đây vẫn phải bố trí giường bệnh, đáp ứng nhu cầu của người bệnh tại khu vực trung tâm Hà Nội và đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân các tỉnh lẻ khi chưa biết đến các cơ sở mới của BV. Nhưng định mức tối đa giường bệnh tại đây chỉ khoảng 300 giường. Đề án đầu tư xây dựng Viện nghiên cứu này đã được BV K trình Bộ Y tế để ghi kế hoạch trung hạn trái phiếu chính phủ 2016 - 2020 nhằm huy động vốn cho dự án.

Làm rõ thêm tính khả thi?

Xoay quanh việc di dời các cơ sở y tế, tại cuộc tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng thể hiện sự trăn trở về vấn đề này. Lãnh đạo TP cho biết đang cùng Bộ Y tế xem xét lại việc: Có nên đẩy toàn bộ BV ra khỏi Hà Nội hay không. Thực tế, nếu di dời toàn bộ BV ra ngoại thành có thể giảm ách tắc giao thông. Tuy nhiên, sẽ nảy sinh nhiều bất cập.

“Thời gian vừa qua, chúng tôi đã nghiên cứu toàn bộ quy hoạch về BV của các nước. Đồng thời, khảo sát hệ thống BV tại Thủ đô các nước châu Âu, dự hội nghị tổng kết của 147 thị trưởng ở Singapore và nghiên cứu 30 mục tiêu Liên Hợp quốc mà Việt Nam tham gia ký đến năm 2030. Theo đó, chỉ tiêu với quy hoạch BV, tính từ nhà người dân ra BV khoảng 15 phút. Thực tế, trước kia chúng ta cũng quy hoạch quy mô từ 25 - 30 ngàn dân phải có một BV. Cho nên, TP đang rà soát lại các quy hoạch này để cân đối. Phải đáp ứng thuận tiện nhất nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Thứ 2, thuận tiện nhất cho các GS, BS có điều kiện nghiên cứu, phục vụ dân” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức cho rằng, BV là một cơ sở phục vụ dân sinh, ở đâu có dân, ở đó phải có BV. Chủ trương của Nhà nước đầu tư xây dựng, mở rộng BV, cung cấp trang thiết bị hiện đại để phục vụ dân sinh là đúng. Vấn đề ở đây là cần xây thêm các BV tại khu vực ngoại thành để có đủ số lượng giường phục vụ bệnh nhân chứ không phải di dời các cơ sở trong nội đô. Nếu di dời hết BV ra xa, người dân nội thành sẽ gặp khó khăn về khám chữa bệnh. Do vậy, việc cần làm là những BV hiện có trong nội thành cần được đầu tư, cải tạo để hoạt động tốt, nhằm đảm bảo và phù hợp với khu vực nội đô. Cơ sở 2 của BV Việt Đức hiện đang xây dựng tại Hà Nam do Ban Quản lý dự án trọng điểm Bộ Y tế thực hiện, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017. Về phía BV, đã xây dựng đầy đủ các phương án để khi công trình được bàn giao sẽ hoạt động ngay. “Sau khi cơ sở 2 đi vào hoạt động thì cơ sở 1 vẫn duy trì. Tất nhiên, BV có sự điều phối hợp lý giữa hai cơ sở. Hy vọng lúc đó giảm tải được bệnh nhân tại cơ sở 1, để những quá tải về hạ tầng xung quanh được giải quyết.

Ông Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc BV Xanh Pôn đồng quan điểm cho rằng, trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần bố trí các cơ sở hợp lý cả trong nội và ngoại thành. Hiện nay, quy mô dân số Hà Nội gia tăng nhanh nhưng số giường bệnh, cơ sở y tế hầu như không có sự phát triển song hành. Do vậy, di dời, mở rộng ra ngoại thành là cần thiết nhưng không có nghĩa các BV không còn cơ sở khám chữa bệnh trong nội đô. Những BV cần diện tích rộng để bảo đảm tốt việc điều trị như phục hồi chức năng, lây, tâm thần… nhất thiết phải nằm tại những vùng ngoại thành. Còn một số BV trong khu trung tâm vẫn phải bố trí để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cấp thiết của lượng dân cư sống tại đó.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, về lâu dài, cần đẩy mạnh chất lượng và mở rộng giường bệnh ngay tại khuôn viên BV hiện có như giải pháp tối ưu. Giải pháp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh bằng các kỹ thuật cao, đào tạo tay nghề của các bác sỹ, trưởng khoa và y tá trưởng cũng như điều dưỡng viên để giảm thời gian bệnh nhân phải nằm ở các BV cũng là hướng khả thi.
(còn nữa)