Di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô Hà Nội: Cấp bách để giảm tải hạ tầng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những hệ lụy của tốc độ đô thị hóa nhanh tại Hà Nội chính là tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Do đó, việc di dời các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ra khỏi nội đô là vấn đề cấp bách không kém việc đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm ra khỏi các khu dân cư.
1km đường “gánh” 7 trường đại học
Không khó để nhận thấy rằng việc tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội trong những năm gần đây là do dân số cơ học tăng nhanh. Một phần nguyên nhân của tình trạng này do quy mô sinh viên của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tăng mạnh.
Được coi là tuyến đường có mặt cắt ngang rộng nhất Hà Nội, nhưng vào giờ cao điểm tuyến đường Nguyễn Trãi lại luôn ở trong tình trạng ùn ứ, lộn xộn. Chỉ dài hơn 1km trên, đoạn từ Nhà máy thuốc lá Thăng Long đến siêu thị Co.opmart đã phải “gánh” đến 7 trường ĐH lớn (ĐH KHXH&NV, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Hà Nội, Học viện An ninh, Học viện Bưu chính viễn thông…).
 Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học KHXH&NV trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Phạm Hùng
Bình quân mỗi trường ĐH tại đây có khoảng 10.000 sinh viên (ĐH, sau ĐH và các loại hình đào tạo khác), vào giờ cao điểm tất cả cùng đổ về cổng trường, tham gia giao thông khiến tuyến đường luôn rơi vào tình trạng quá tải nặng nề.
Tình trạng ùn tắc tương tự cũng xảy ra với nhiều tuyến phố, nút giao thông đang có nhiều trường ĐH, CĐ lớn như tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy (ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và tuyên truyền…); tuyến đường Tây Sơn - Chùa Bộc (ĐH Thủy lợi, ĐH Công đoàn, Học viện ngân hàng…); đường Giải Phóng (ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Bách Khoa…); phố Chùa Láng (ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam…).
Đại úy Đinh Tiến Vũ - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Hà Nội) cho rằng, phương tiện gia tăng cao và lượng sinh viên tại các trường không ngừng gia tăng hàng năm là nguyên nhân chính làm các nút giao thông trên ùn tắc. Thực tế vào mùa Hè, khi sinh viên các trường ĐH về nghỉ hè thì ùn tắc tại một số tuyến phố, nút giao thông qua các trường giảm rõ rệt.
10 năm chủ trương vẫn nằm trên giấy!
Từ năm 2007, Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006 - 2016 được Thủ tướng phê duyệt đề cập đến việc di dời các trường công lập có diện tích quá nhỏ (dưới 2ha) ở nội thành Hà Nội ra ngoại thành để đạt tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu 10ha/trường ĐH.
Sau Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, năm 2009, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng hệ thống trường ĐH, CĐ tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những mục tiêu của quy hoạch là "giải quyết khó khăn, bất cập về không gian và điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật của các ĐH, CĐ trong Thủ đô Hà Nội và những ảnh hưởng của hệ thống trường tới sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội". Nguyên tắc đặt ra là giảm mật độ sinh viên và số trường trong trung tâm đô thị.
Theo chủ trương trên, năm 2010 - 2011, Sở QH - KT Hà Nội, Bộ Xây dựng đưa ra phương án di dời, cải tạo 23 cơ sở giáo dục. Trong đó, 12 ĐH, CĐ được đề xuất di dời và 11 cơ sở giáo dục ĐH khác được đề xuất cải tạo.
Các trường sẽ được bố trí tại các khu đô thị vệ tinh, như Gia Lâm (khoảng 250ha), Sóc Sơn (600ha), Sơn Tây (300ha), Hòa Lạc (1.200ha), Phú Xuyên (100ha)... Đáng lưu ý, năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đề cập rất rõ việc phân bố, sắp xếp lại hệ thống trường ĐH, CĐ khu vực nội đô khống chế khoảng 30.000 sinh viên.
Chính phủ chủ trương xây mới 3.500 - 4.500ha các khu, cụm ĐH ở 7 khu vực thuộc huyện ngoại thành Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, quy mô phục vụ 40.000 - 51.000 sinh viên.
"Thực hiện di dời hoặc xây dựng cơ sở 2 cho một số trường từ nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc tỉnh trong vùng Thủ đô", quy hoạch nêu. Với mục tiêu giảm tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho nội thành, quỹ đất sau khi di dời trường ĐH được sử dụng vào mục đích công cộng, phục vụ đô thị.
Thế nhưng, thực tế là đến thời điểm hiện nay sau 10 năm triển khai, mới có duy nhất trường ĐH Y tế công cộng di dời ra khỏi nội đô. Mặc dù quỹ đất đã được cấp cho các trường này, điển hình trong đó có hơn 1.000ha đất ở Hòa Lạc cấp cho trường ĐH Quốc gia Hà Nội sau nhiều năm triển khai mới chỉ lác đác vài hạng mục được xây dựng và chưa thể đưa vào hoạt động giảng dạy như dự kiến.
Mới có một trường di dời
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng vào tháng 6/2019, tiến độ di dời của các trường đến nay còn rất chậm. Về cơ bản các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp đều đang tiếp tục sử dụng cơ sở cũ. Chỉ duy nhất trường ĐH Y tế cộng đồng tại 138B phố Giảng Võ, quận Ba Đình đã được di dời đến địa điểm mới tại quận Bắc Từ Liêm, địa điểm này thực hiện dự án theo hợp đồng BT.
Thực hiện quy định của Luật Thủ đô, TP không xem xét giải quyết các trường hợp xây dựng mới các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp trong khu vực nội đô. Chỉ xem xét giải quyết cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ cho các trường ĐH: Xây dựng, Công nghiệp, Văn hóa, Cao đẳng Sư phạm…
Đánh giá về hệ lụy của việc các trường ĐH, CĐ còn nằm trong nội đô, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là trong khi chưa di dời, chưa xác định rõ được địa điểm giảng dạy, học tập như thế nào nhiều trường đã tuyển sinh ồ ạt. Điều này dẫn đến việc gia tăng áp lực cho hạ tầng giao thông khi lượng lớn sinh viên di chuyển trong nội thành.
Đặc biệt, trong khi chưa thực hiện được theo quy hoạch thì lại cho phát triển thêm nhiều trường ĐH, CĐ mà không lấy quy hoạch vùng Thủ đô làm cơ sở đối chiếu so sánh. Điều này dẫn đến hiện tượng mất cân đối khi Hà Nội tập trung quá nhiều cơ sở còn tại các tỉnh nằm trong vùng Thủ đô mặc dù đã có quỹ đất nhưng không tạo điều kiện để xây dựng các trường ĐH, CĐ.
“Muốn giải quyết vấn đề di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô Hà Nội thì phải quan tâm đến việc quản lý, điều hành quy hoạch vùng, đặc biệt là vùng Thủ đô” - TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, xét về tầm nhìn xa việc di dời hệ thống các trường không phù hợp, không đáp ứng các tiêu chí nằm trong khu vực nội đô là một chủ trương đúng phục vụ cho sự phát triển bền vững trong tương lai của các trường ĐH, CĐ nói riêng và Thủ đô nói chung.
Tuy nhiên để chủ trương được thực hiện có hiệu quả thì cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ngành và quyết tâm về công tác tư tưởng của lãnh đạo các nhà trường. Phải dứt ra được thói quen, nếp nghĩ cũ để vì sự phát triển chung của Thủ đô.
Vấn đề quan trọng nữa là kinh phí, để huy động được nguồn vốn lớn phục vụ cho công tác này có hiệu quả thì Nhà nước nên kêu gọi xã hội hóa.

"Vấn đề lớn nhất hiện nay là trong khi chưa di dời, chưa xác định rõ được địa điểm giảng dạy, học tập như thế nào nhưng nhiều trường đã tuyển sinh ồ ạt. Điều này dẫn đến việc gia tăng áp lực cho hạ tầng giao thông khi lượng lớn sinh viên di chuyển trong nội thành." - TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch

Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội

Có 12 trường ĐH, CĐ nằm trong phương án di dời: Luật Hà Nội, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng, Viện Đại học Mở Hà Nội... Các trường này, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, có chưa đầy 5m2 đất/sinh viên, trong khi tiêu chuẩn phải là 25m2 đất trên một người học.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần