Di dời trụ sở bộ, ngành: Quy trách nhiệm cho người đứng đầu

Doãn Thành (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh việc các bộ, ngành đã di dời nhưng không trả lại đất cho TP Hà Nội, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng phải quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, bộ, ngành đó.

 Phó Chủ tịch Thường trực CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp
Thưa ông, đã có nhiều cơ quan bộ, ngành có trụ sở mới nhưng vẫn chưa trả lại trụ sở cũ cho Hà Nội. Theo ông, điều đó có ảnh hưởng gì đến quá trình kiện toàn hạ tầng của Thủ đô?
- Hiện nay, khá nhiều bộ, ngành đã được xây dựng trụ sở mới. Những địa điểm này cơ bản được chuyển dịch ra ngoài vùng lõi nhưng vẫn là thuộc địa bàn của Thủ đô, chính quyền TP vẫn phải bố trí đất cho những địa điểm làm việc mới này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều bộ, ngành chưa có văn bản hay thông báo trả lại đất tại trụ sở cũ cho Hà Nội.
Vấn đề này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Một số bộ, ngành thì có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Một số bộ, ngành lấy lý do là chưa kiện toàn hệ thống hạ tầng ở trụ sở mới nên chưa thể di dời hoặc thiếu kinh phí xây dựng… Dù là lý do gì đi nữa thì vẫn mang đến nhiều bất cập cho Hà Nội. Đó là trong khi một mặt TP vừa phải chi phí bồi thường, bố trí mặt bằng để các cơ quan T.Ư xây trụ sở mới nhưng lại không được trao trả phần đất trụ sở cũ chuyển đổi mục đích sử dụng để có nguồn thu. Vậy thì Hà Nội lấy đâu ra nguồn kinh phí để tái đầu tư và để lấp vào những chi phí đã dùng để giải phóng mặt bằng cho các trụ sở mới?
Theo ông, giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?
- Hà Nội đã làm tốt được công tác bố trí đất để phục vụ cho việc di dời. Song mỗi bộ, ngành đều có đặc quyền rất lớn, Hà Nội không thể tự giải quyết vì nó sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột về lợi ích và quyền lực. Do đó, cần phải có sự quyết liệt từ Chính phủ buộc phải bàn giao lại đất khi đã có trụ sở mới mà không kể bất cứ lý do gì và phải có chế tài.
Nếu Hà Nội không làm tốt công tác bố trí mặt bằng để phục vụ cho việc di dời thì Hà Nội phải chịu trách nhiệm. Ngược lại, khi các bộ, ngành đã có đất, đã xây trụ sở mới thì phải trả lại phần đất trụ sở cũ. Nếu vẫn không trả thì người đứng đầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Phải rõ ràng như vậy chứ không thể quy trách nhiệm chung chung cho tập thể.
Hà Nội cần làm gì để sử dụng hiệu quả đất của các trụ sở bộ, ngành sau khi được trả lại, thưa ông?
- Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ về mật độ dân số và năng lực hạ tầng. Nếu những khu vực nào có đủ điều kiện để tăng mật độ dân số, mật độ văn phòng thì có thể chuyển đổi để cho các bộ, ngành có nguồn lực xây dựng hoặc là TP có quỹ để làm công tác di dời, bố trí mặt bằng mới.
Còn đối với những khu vực nào mật độ dân số và văn phòng đã quá dày rồi thì bố trí làm các công trình công cộng, công ích… Trong quá trình làm phải linh hoạt, không nhất thiết là cứ trong vùng nội đô thì không cho xây dựng các công trình thương mại nữa, đủ điều kiện vẫn cho làm để có thêm nguồn thu và cũng đỡ lãng phí phần diện tích “đất vàng”.
Ông có nhìn nhận thế nào về việc TP Hà Nội đề xuất Quốc hội được hưởng 50% khoản tiền sử dụng đất, khi bán tài sản công gắn liền trên đất?
- Trước hết phải xác định Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không giống như các tỉnh, thành khác, nguồn thu lớn nhưng nguồn chi cũng rất lớn. Do vậy, đề xuất như thế là rất hợp lý. Nguồn thu này được tính sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới.
Hiện nay, Hà Nội đang đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, để có thể đủ sức cạnh trạnh với các đô thị khác trong khu vực và trên thế giới. Hà Nội rõ ràng cần một nguồn ngân sách lớn để xây dựng hạ tầng. Vì vậy, cần phải cho Hà Nội một cơ chế đặc thù riêng trong quá trình phát triển.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần