Đi ngược với quyết tâm cải cách

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ sau mấy ngày đưa ra, dự thảo danh mục 20 ngành nghề, lĩnh vực thực hiện độc quyền Nhà nước do Bộ Công Thương đề xuất đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Trong đó không ít ý kiến lo ngại, nếu một nghị định về độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực thương mại như vậy ra đời sẽ gây bất ổn trên thị trường, cản trở cạnh tranh, đi ngược lại xu thế cải cách.
 Ảnh minh họa
Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, nguyên tắc thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại chỉ áp dụng với các những loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia… Và đặc biệt là danh mục này phù hợp với Luật Thương mại 2005, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, theo Luật Thương mại 2005, danh mục độc quyền Nhà nước đều phải có thời hạn thực thi, nhưng dự thảo Nghị định chưa quy định rõ điều này. Bên cạnh đó, lấy lý do thành phần kinh tế tư nhân không có nhu cầu và khả năng tham gia để cấm cũng chưa thực sự thuyết phục. Thực tế trước đây, những lĩnh vực thuộc độc quyền Nhà nước như xử lý nước thải, VSMT… nhưng nay, không ai phủ nhận hiệu quả công tác xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này. Thậm chí, không ít DN tư nhân, công ty cổ phần, HTX làm khá tốt, vừa giảm bớt gánh nặng ngân sách, vừa tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Luật DN năm 2014 đã quy định 7 ngành nghề cấm kinh doanh. Nghĩa là DN được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề còn lại. Chính vì thế, với một số ngành Nhà nước cần giữ độc quyền, có thể sử dụng hình thức điều kiện kinh doanh thay vì những văn bản cấm như vậy. Trong khi thành phần kinh tế tư nhân đang được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế thì việc có tới 20 ngành nghề độc quyền Nhà nước rất cần được cân nhắc. Cân nhắc có thể dưới hình thức Nhà nước có nhu cầu thì đặt hàng, ai làm tốt hơn sẽ được giao, thay vì tư duy cũ, không quản được thì cấm. Ngay cả những ngành rất quan trọng và có tác động lớn như ngân hàng hay hàng không cũng đã cho phép tư nhân tham gia. Vấn đề ở đây là cơ quan quản lý cần có các biện pháp kiểm soát như thế nào. Trong khi nền kinh tế hội nhập ngày một sâu, rộng hơn, các cơ quan từ Chính phủ đến từng bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế thì những văn bản cấm như trên có vẻ như đang đi ngược lại quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khởi nghiệp.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần