Di sản 3.500 tuổi - khảo cổ học Vườn Chuối: Thấp thỏm chờ biện pháp bảo tồn

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin người dân thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), hiện nay việc thi công đường Vành đai 3.5 đã vào một phần Di chỉ Khảo cổ học (KCH) Vườn Chuối. Người dân thôn Lai Xá mong muốn, cơ quan chức năng sớm có biện pháp bảo tồn di tích trước nguy cơ xóa sổ.

Nhiều hành động xâm lấn
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên trưởng thôn Lai Xá Nguyễn Văn Thắng đầy lo lắng về số phận của di sản 3.500 tuổi mà ông cha đã để lại đang đứng trước nguy cơ bị xâm lấn, xóa sổ. Thời gian gần đây, việc thi công đường Vành đai 3.5 xâm lấn một phần Di chỉ KCH Vườn Chuối. Cụ thể: Toàn bộ cây xanh đã được phát quang, mặt đất xung quanh đã được san phẳng, có nhiều vết xích bánh xe đi lại.
Lo lắng trước việc di chỉ KCH Vườn Chuối bị xâm hại, ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Tôi đề nghị cơ quan chức năng xác định rõ ranh giới giữa đường 3.5 với khu di chỉ KCH, vì nếu không xác định, quá trình thi công làm đường sẽ mất toàn bộ dấu tích di sản. Tôi được biết, đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để thi công đường 3.5”. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng nhấn mạnh: Cần có quyết định khẩn cấp để cứu di chỉ Vườn Chuối.
 Ông Nguyễn Văn Thắng - Người dân thôn Lai Xá lo ngại về việc thi công đường 3.5 xâm lấn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Ảnh: Lại Tấn
Trước đây, kết quả 8 lần khai quật di chỉ Vườn Chuối cho thấy, ở đây có 3 giai đoạn văn hóa từ Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Trong 8 lần khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện 11 hố chôn cột, 29 mộ táng, trong đó có một mộ thuộc văn hóa Đồng Đậu, còn lại là văn hóa Đông Sơn, dấu tích bếp và lò đúc đồng...Tại các hố khai quật này, các nhà khoa học cũng tìm thấy nhiều di vật cổ bằng đá, đồng của người Việt.
“Đây là một trong những di tích hiếm hoi của Hà Nội chứa đựng đầy đủ các tầng văn hóa cư dân sinh sống tại Hà Nội trải qua hơn 2.000 năm đến nay. Di chỉ cho thấy phần nào đời sống của người Hà Nội cổ ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, từ nghề trồng lúa nước, thủ công, đánh bắt cá” - PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung đánh giá. Chính vì vậy, các nhà khoa học và các cơ quan chức năng của Hà Nội đã có những bước tiến đánh giá để bảo tồn.
Giải pháp phòng xa
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trước những lo ngại của người dân cũng như một số chuyên gia, Trưởng ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết con đường được xây dựng ở gần di chỉ Vườn Chuối là đường nội bộ, không phải đường Vành đai 3.5.
Hiện nay chưa rõ kế hoạch cụ thể về việc làm đường nội bộ này qua Vườn Chuối. “Chúng tôi đã làm việc, trao đổi với Phòng VH&TT huyện Hoài Đức để có vấn đề gì phải báo ngay lên Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội hoặc Sở VH&TT Hà Nội, UBND Hà Nội để phối hợp cho hài hòa, tránh việc đơn vị thi công tự động xâm lấn, đến khi xảy ra báo chí vào mới xuống thì muộn, không cứu được” - Trưởng Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội cho hay.
Ông Nguyễn Doãn Văn cho biết thêm: “Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã trình các nội dung về kế hoạch khai quật lên UBND TP. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cùng viện khảo cổ tham mưu lập dự toán. Trong tháng này hoặc tháng sau, chúng tôi sẽ trình kế hoạch lên Bộ VHTT&DL”.
Về công tác bảo tồn Di chỉ KCH Vườn Chuối, GS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết: “Mới đây Sở VH&TT Hà Nội cùng các nhà khoa học đã đi thực địa, đánh giá lại tình hình và đề xuất thống nhất phương án bảo tồn, khảo cổ học lên UBND TP trong năm 2019.
Trong khảo sát gần đây, các nhà khoa học đã xác định được một số vị trí khai quật thám sát để xác định được những phạm vi phân bố của người cổ. Trong đó, chúng tôi sẽ khai quật 200m2 ở khu đỉnh của gò (khu vực đậm đặc di tích). Sau khi khảo sát, chúng tôi sẽ thống nhất với chủ đầu tư về phương pháp, thời gian khai quật”.