Di sản biệt thự cổ: Tìm hướng bảo tồn

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang có kế hoạch thực hiện rà soát, điều chỉnh danh mục nhà biệt thự được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn.

Đây là bước đệm quan trọng để loại các công trình không đúng chuẩn ra khỏi danh sách quản lý, sử dụng, từ đó đề ra chiến lược bảo tồn dài hơi đối với kiến trúc di sản quý này cho thế hệ mai sau. Bởi, biệt thự cổ không đơn thuần chỉ là một ngôi nhà, mà là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa bản địa và quốc tế.

Nguyên tắc win - win

Theo TS Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc, ít có TP nào trên thế giới có một khu phố Pháp thú vị như Việt Nam. Cần nhìn nhận biệt thự cổ như một tài sản lớn của Hà Nội, tức là những lớp lang lịch sử của từng thời kỳ khác nhau. Đặt trong bối cảnh đó có thể thấy, bảo tồn biệt thự khu phố Pháp quan trọng nhất là bảo tồn được cả hình thái không gian, công năng.
 Biệt thự cổ trên phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng

Trải qua những năm tháng bao cấp, mô hình quản lý đô thị Hà Nội còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng các biệt thự khu phố Pháp đan xen nhiều loại hình sở hữu. Đến nay, trong cơ chế thị trường, người dân có xu hướng cải tạo để phục vụ mục đích kinh doanh khiến di sản này biến dạng, giá trị lịch sử văn hóa xuống cấp trầm trọng. Vấn đề bảo tồn biệt thự vì vậy phải đặt song hành với bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử và thậm chí là giá trị kinh tế của Hà Nội. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn lực và chiến lược bảo tồn dài hơi.

“Thời kỳ bắt đầu bước vào cơ chế kinh tế thị trường, tôi được biết Sở Địa chính - Nhà đất cho phép chuyển đổi chức năng và quyền sở hữu. Cho nên, một số biệt thự được chuyển đổi chức năng, biến thành biệt thự cho thuê và cửa hàng ăn. Nhờ sự chuyển đổi cơ chế đó mà về mặt công năng thì không bảo tồn được, nhưng về thẩm mỹ trông có vẻ sáng láng hơn. Nghĩa là cơ chế thị trường có thể giúp chúng ta công cụ biến những biệt thự cổ phục vụ công năng mới mà vẫn giữ được hình thái kiến trúc cũ” - TS Nguyễn Quang phân tích.

Rất nhiều biệt thự do không có nguồn lực và tính chất đa sở hữu trong sử dụng dẫn đến tình trạng xuống cấp. Thậm chí có trường hợp bị cháy, sụp đổ như biệt thự 107 Trần Hưng Đạo. Do đó, phương thức bảo tồn như thế nào rất cần một lời giải thống nhất.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, những biệt thự cổ luôn đầy thông điệp của quá khứ. Nhưng bây giờ, những giá trị tinh thần có vẻ không quan trọng bằng giá trị thực tế, đó là… tiền! Cũng theo TS Phạm Sỹ Liêm, dù được TP quan tâm nhưng vấn đề bảo tồn biệt thự cổ vẫn đang “nhích” từng bước rất chậm. Đừng để sự hấp dẫn của đồng tiền làm những di sản biệt thự cổ bị “chảy máu”.

Hiện nay có một số người kinh doanh bất động sản mua biệt thự mà thực ra chỉ là gom đất, rồi phá biệt thự để xây lên hàng chục tầng kiếm lợi. Đôi khi họ làm trót lọt vì khéo lo lót, còn ngành xây dựng thì không định kỳ kiểm đếm danh mục di sản. Nói cho cùng, số lượng biệt thự giảm đi là do chính quyền chưa thực sự thấy cần thiết phải bảo tồn chúng.

TS Nguyễn Quang cũng cho rằng, bảo tồn, duy tu là cần thiết nhưng phải đáp ứng được nguồn lực để thực hiện mục tiêu đó. Tức là nguyên tắc "đôi bên cùng có lợi" (win - win), những đối tượng tham gia bảo tồn sẽ tôn trọng và chấp nhận quan điểm win - win.

Hình thành công ty dịch vụ công ích?

Ông Vũ Đức Thắng - Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết: Đợt kiểm tra này, Tổ công tác liên ngành giúp việc cho Hội đồng thẩm định sẽ khảo sát, kiểm tra 1.565 biệt thự. Về nội dung rà soát, điều chỉnh gồm: Rà soát để xác định là biệt thự được xây dựng trước năm 1954 hay xây dựng sau năm 1954. Trên cơ sở rà soát để điều chỉnh đưa biệt thự xây dựng sau năm 1954 ra khỏi Danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội; Rà soát để xác định là biệt thự được xây dựng trước năm 1954 hay thuộc dạng công trình kiến trúc khác có giá trị xây dựng trước năm 1954, thuộc nhà mặt phố, thuộc nhà cổ. Trên cơ sở rà soát để điều chỉnh đưa các loại nhà này ra khỏi Danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP...; Tổng hợp: các biệt thự đã GPMB để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, dự án mở đường; các biệt thự đã bị phá dỡ hiện là đất trống. Trên cơ sở rà soát để điều chỉnh đưa ra khỏi Danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội.

Theo các chuyên gia, Hà Nội cần có chiến lược bảo tồn biệt thự khu phố Pháp một cách dài hơi. Từ đó biến những tài sản văn hóa, xã hội này thành động lực phát triển kinh tế, văn hóa cho cả TP. Ví như Singapore, trước đây đập khu phố Trung Quốc đi vì cho rằng không cần thiết, nhưng bây giờ đã phải xây dựng lại dáng những nhà cổ là khu Chinatown để phát triển du lịch. Hay đến Nhật Bản, những cố đô cũ với dáng dấp kiến trúc, cấu trúc xưa là những điểm thu hút khách nước ngoài tuyệt vời, đóng góp lớn cho kinh tế.

Song hành với những điều đó là công cụ kiểm soát nhà nước dưới sự tham vấn của nhà chuyên môn và người dân. Trước đây, dự án của Australia đã đưa ra công cụ kiểm soát phát triển nhằm đảm bảo các công trình cổ khi xây dựng phải tuân thủ quy định về mặt sử dụng đất, hình thái kiến trúc, các yếu tố khác… Nếu chuyển đổi công năng cần tránh sự ô nhiễm môi trường, giữ được khoảng không gian cây xanh, màu sắc hay không cho phép xây dựng vượt quá tầng cao làm phá vỡ cấu trúc.

Tất nhiên, vai trò quan trọng nhất là sự can thiệp của Nhà nước. TP La Habana (Cu Ba) cổ mặc dù trong điều kiện bị cấm vận nhưng đã làm rất tốt công tác bảo tồn. Họ có văn phòng của nhà lịch sử, dưới văn phòng này cho phép hình thành một công ty khai thác La Habana vận dụng cơ chế thị trường. Nhà nước đầu tư cải tạo từng bước, từng khu vực và cho thuê lại những khu vực đó. Tái định cư một số người dân ra khu vực mới có điều kiện sống tốt hơn. Đồng thời, cải tạo các không gian cũ rồi cho thuê văn phòng và dùng giá trị gia tăng trong vấn đề khai thác để tái đầu tư trong bảo tồn, duy tu. Tại Israel, dưới quyền thị trưởng cũng có công ty phát triển đô thị dịch vụ công. Họ tham gia vào việc cải tạo chung cư cũ, cải tạo công viên thông qua cơ chế thị trường nhưng tối đa hóa mục tiêu xã hội. Tất nhiên những công ty này không tham nhũng, có sự kiểm soát chặt chẽ của hội đồng và nằm dưới quyền trực tiếp chỉ đạo của thị trưởng.

“Tại sao Hà Nội không hình thành ra một công ty dịch vụ công ích để có thể khai thác những biệt thự cổ khu Pháp hiệu quả. Sử dụng nó vào các mục tiêu mới để đem lại giá trị gia tăng lớn hơn mà vẫn đảm bảo lợi ích xã hội, lợi ích văn hóa song hành với lợi ích kinh tế?” - TS Nguyễn Quang đề xuất.

Trong quá trình khảo sát, khó khăn được Tổ công tác liên ngành đánh giá là “vướng” nhất đó là xác định thời điểm xây dựng của các công trình. Hồ sơ gốc, lưu trữ cũ thời Pháp khi tiếp quản không được đầy đủ. Hiện nay, một số hồ sơ này do Sở TN&MT giữ nên Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu phối hợp hỗ trợ thông tin (để xác định chính xác là nhà biệt thự). Một số công trình này xây dựng lại sau năm 1954 (được làm theo lối giả Pháp), bằng mắt thường rất khó xác định, cần phải có hồ sơ về cấp phép xây dựng công trình để xác định (hồ sơ cấp phép do các cơ quan là UBND quận hoặc Sở Xây dựng cấp qua nhiều thời kỳ, cần phải có thời gian sao lục).

Ông Vũ Đức Thắng

Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội)


Tuy không phải là “gốc Việt” nhưng các biệt thự cổ thể hiện bản sắc của một đô thị “nhượng địa” thuộc Pháp ở giai đoạn sơ khai. Đây chính là cái “lõi” của sự hình thành, phát triển đô thị Hà Nội trong quá khứ, hiếm hoi còn sót lại của Hà Nội hiện đại cần bảo tồn. Nếu biệt thự thuộc loại di sản thì chính quyền cần đưa vào diện bảo tồn dù nó thuộc sở hữu của ai. Nếu thuộc sở hữu Nhà nước thì vẫn có thể cho thuê, kể cả cho người nước ngoài thuê, hay làm nhà công vụ cho cán bộ cao cấp. Còn biệt thự tư nhân thì người chủ có thể sử dụng, sửa sang hay chuyển nhượng nhưng không được phép thay đổi kiến trúc.

TS Phạm Sỹ Liêm

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần