Di sản đô thị và thách thức bảo tồn

Thanh Loan - Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Hà Nội có nhiều công trình có tuổi đời chỉ hơn nửa thế kỷ hoặc một thế kỷ, nhưng lại có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, là một phần ký ức của TP.

Ví như Bưu điện Hà Nội, cầu Long Biên, tháp nước Hàng Đậu, nhà thờ Cửa Bắc, ga Hà Nội… đều là những công trình kiến trúc gắn liền với lịch sử Thủ đô. Việc tu sửa là điều cấp thiết nhưng thay đổi hình ảnh của những công trình mang tính biểu tượng của Hà Nội sao cho hợp tình, hợp lý đang có phần bị sao nhãng, gây ra dư luận trái chiều.
Những công trình thuộc về ký ức

Cây cầu Long Biên là một minh chứng của cuộc đấu trí giữ gìn hay phá bỏ. Cây cầu trải qua hơn một thế kỷ tồn tại đã là một phần ký ức của Hà Nội, nhưng khi công năng sử dụng về giao thông bị hạn chế, đã từng có dự án dỡ cầu đặt xuống bãi giữa sông Hồng để trưng bày. Các nhà văn hóa lên tiếng bảo vệ cây cầu, thì nhiều ý kiến cho rằng cầu Long Biên chưa được xếp hạng di tích nên không nằm trong diện được bảo vệ nguyên vẹn như Luật Di sản quy định. Rất may đến nay cầu Long Biên vẫn còn đó và trở thành một di sản trong lòng Hà Nội.
 Cầu Long Biên. Ảnh: Công Hùng
Tiếp đến năm 2017, Hà Nội cũng vướng phải những khó khăn khi lấy ý kiến đề xuất di dời Ga Hà Nội. Bởi vì, Ga Hà Nội là công trình có giá trị minh chứng cho thời kỳ phát triển sau Cách mạng tháng Tám gắn với kiến trúc từ thời Pháp xây dựng. Chính vì thế, chúng ta luôn phải đặt vấn đề bảo tồn. Khi làm quy hoạch chung cho Thủ đô Hà Nội năm 2011, nhiều đơn vị tư vấn, nhất là từ nước ngoài, đã đề xuất khôi phục lại Ga Hà Nội trở về nguyên trạng ban đầu thời Pháp nhưng các chuyên gia đã phản đối và đề nghị giữ nguyên như hiện nay. Vì nó là công trình di sản có giá trị nhưng được bảo quản, tích hợp với thời đại mới.

Thời gian qua, nhiều người dân Hà Nội bất ngờ trước việc tên “Bưu điện Hà Nội” bị đổi tên thành "VNPT Hà Nội". Mặc dù, tòa nhà đã được tu sửa nhiều lần song tên gọi truyền thống của công trình này vẫn được giữ nguyên, để cùng với chiếc đồng hồ trên nóc tòa nhà trở thành một trong những biểu tượng rất đỗi thân quen của người Hà Nội, trở thành một điểm hẹn ký ức những năm 70 đến 90 của thế kỷ trước. Nhìn nhận khách quan, việc thay tên “Bưu điện Hà Nội” là phù hợp với nhu cầu của chủ đầu tư công trình, đúng luật. Tuy nhiên, theo

"Ở Hà Nội có nhiều công trình gắn với văn hóa, lịch sử Thủ đô. Riêng quanh khu vực Hồ Gươm đã có 19 công trình, khu phố cổ, cùng hơn 900 công trình nhà ở có giá trị và hơn 700 biệt thự. Chúng ta cần phải có một quy chế chung về bảo tồn tổng thể các công trình kiến trúc có giá trị từ kiến trúc, tên hiệu, màu sắc cho đến cảnh quan xung quanh." - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm


"Chỉ trong gần 90 năm trở lại đây, Việt Nam cũng như nhân loại đã không ngừng hoàn thiện các khái niệm, phương pháp tiếp cận để nhận diện các công trình kiến trúc có giá trị di sản di tích đô thị. Ví dụ năm 2017, các chuyên gia di sản kiến trúc đô thị thế giới đã ghi nhận công trình Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội do KTS Lê Văn Lân thiết kế, được xây dựng và hoàn thành năm 1974 là công trình Di sản kiến trúc hiện đại của Việt Nam, đứng ngang tầm với các công trình tương tự của các KTS thế giới lừng danh thế kỷ XX . Điều đó cho thấy những giá trị của di sản kiến trúc đô thị vừa có tính lịch sử vừa có tính thời đại." - KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Hội kiến trúc sư Hà Nội

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm: “Bưu điện Hà Nội là công trình đi vào tiềm thức của người dân, đánh dấu một giai đoạn phát triển của Hồ Gươm và của Hà Nội. Vì vậy, hình dáng kiến trúc cho đến tên công trình cần được gìn giữ, bảo tồn theo nhận thức truyền thống”.

Tìm biện pháp bảo tồn cả phần vỏ và phần lõi di sản

Từ những vấn đề tưởng nhỏ như thay tên “Bưu điện Hà Nội”, thay đổi hình dáng Ga Hà Nội, đưa cầu Long Biên vào bảo tàng… nhưng lại là việc thay đổi hay lưu giữ bất kỳ hình ảnh mang tính biểu tượng của Thủ đô. Thách thức lớn nhất trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trong đô thị hiện nay là việc đảm bảo sự hài hòa giữa nhu cầu chỉnh trang công trình đã cũ với lợi ích của người dân (cơ quan, DN) sống trong di sản. Do vậy, nhiều chuyên gia về kiến trúc, di sản cho rằng các nhà quản lý phải chứng minh, diễn giải dựa trên căn cứ khoa học. KTS Lê Văn Lân cho hay: “Không thể quyết định vấn đề bảo tồn hay cho phép thay đổi hình ảnh một công trình kiến trúc vì nó đã quen thuộc với người dân. Di tích mang tính lịch sử, khoa học trong nó. Nếu muốn chắc chắn, cần có hội đồng, những người hiểu biết để đưa ra giải pháp”.

Cuối năm 2013, UBND TP Hà Nội xây dựng và ban hành danh sách có tên Các công trình kiến trúc khác xây dựng trước 1954 cần được bảo tồn cùng với trường đại học. Trong danh sách này còn có nhiều công trình khác, trong đó có Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và trụ sở Bộ Ngoại giao, Phủ Chủ tịch, trụ sở Bộ Tư pháp, trụ sở Báo Văn nghệ Quân đội, tháp nước Hàng Đậu, nhà thờ Cửa Bắc, cầu Long Biên, trường THPT Chu Văn An, nhà tù Hỏa Lò, nhà thờ Hàm Long, Ga Hà Nội… Cùng với danh mục các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần được bảo tồn, Hà Nội cũng công bố danh sách biệt thự cũ. Cả hai danh mục trên đều thuộc nhóm phụ lục của Nghị quyết về việc ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Nhưng danh mục này mới chỉ bảo tồn được phần vỏ, còn phần lõi với những hoạt động di sản chưa có quy định cụ thể.

Theo KTS Hoàng Thúc Hào – giảng viên trường Đại học Xây dựng: “Di sản không sinh ra lợi ích trước mắt mà đem lại những giá trị, lợi ích dài hạn. Di sản là ký ức, bản sắc, là niềm tự hào, biểu hiện của văn hóa mà không phải giá trị vật chất có thể thấy trước mắt, trực tiếp sản sinh ra tiền nên dễ bị sao nhãng”. Hội An là dẫn chứng rõ nét nhất. Từ ngày 1/12/1999, tại hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Marocco, UNESCO đã công nhận đô thị cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới. Việc này đã tác động đến ý thức của chính quyền địa phương và người dân trong việc giữ gìn di sản. Từ đó đến nay, đô thị cổ Hội An giữ nguyên được hình ảnh và trở thành một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, đem lại nguồn thu lớn nhờ phát triển du lịch.

Hà Nội với bề dày hơn nghìn năm tuổi sẽ không chỉ quan tâm gìn giữ các công trình kiến trúc của triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê, mà cả những giá trị di sản kiến trúc đô thị hiện đại, để TP luôn sống động. Nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu về đô thị đề xuất, bên cạnh việc lập danh sách một số công trình cần được bảo vệ, cơ quan chức năng nên thẩm tra, xem xét và có chế tài đặc thù với một số công trình quan trọng, công nhận là di sản. Chỉ có công nhận là di sản, theo Luật Di sản, công trình mới được bảo tồn nguyên vẹn. Việc vinh danh di sản sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô thông qua quảng bá hình ảnh, khẳng định vị thế, tạo sức hút với Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực không ngừng để bảo tồn tốt, phát huy bền vững giá trị của những di sản đó và trao truyền lại cho các thế hệ mai sau.