Đi theo dấu chân chàng Thạch Sanh

Phan Mỹ Hảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thạch Động là một trong mười cảnh đẹp của xứ Hà Tiên, chứa đựng những câu chuyện huyền bí, kỳ lạ.

Thạch Động nằm bên Quốc lộ 80, thuộc địa phận xã Mỹ Đức, cách thị xã Hà Tiên khoảng 3,5km, tỉnh Kiên Giang, là khối núi đá vôi khổng lồ, dựng đứng tựa như một ngọn tháp.
Động đá nuốt mây
Thạch Động còn được gọi Thạch Động thôn vân, có nghĩa động đá nuốt mây. Theo người dân địa phương mỗi sáng sớm đến đây người ta sẽ có dịp chiêm ngẫm những đám mây trắng là là bay qua đỉnh núi thì bị giữ lại trước cửa động rồi lại từ từ bay vào tựa như hang động đang nuốt mây vậy.
Huyền bí Thạch Động Hà Tiên, nơi Thạch Sanh giết đại bàng xưa.
Thạch Động là hang sâu có hai cửa chính, một cửa hướng về phía thị xã Hà Tiên, một cửa hướng ra cánh đồng Mỹ Đức. Muốn đến được cửa động, bạn sẽ leo ngược khoảng 50 bậc đá bù lại du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thị xã Hà Tiên xinh đẹp cũng như các phum sóc bên đất bạn Campuchia. Nếu có ống nhòm bạn sẽ thấy vịnh Thái Lan nhấp nhô những hòn đảo cùng ghe thuyền chấm phá trên màu xanh của biển cả.
Bước vào bên trong lòng Thạch Động, bạn như lạc vào một mê cung kỳ ảo với nhiều thạch nhũ đá có hình thù kỳ thú, thu hút rất đông du khách tham quan, chụp hình. Đá vôi ở Thạch Động được các nhà địa chất xác định hình thành vào kỷ Permi, khoảng 250 triệu năm trước. Loại đá vôi này phổ biến ở các vùng ven biển huyện Kiên Lương và lan sang cả các vùng phía Tây Nam Campuchia và nam Thái Lan, về phía Tây Nam đứt gãy của Sông Hậu (miền Tây Nam Bộ và tây nam Campuchia) đã dịch trượt tương đối về phía Đông Nam chừng 300km.
Đây cũng là nơi tọa lạc chùa Tiên Sơn cổ kính được xây dựng vào năm 1790, thờ Phật Thích Ca và Bồ Tát Quan Thế Âm. Chùa Tiên Sơn được dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 41 xây dựng năm 1790 rơi vào khoảng thời gian Mạc Thiên Tích làm Tổng trấn xứ Hà Tiên. Các tư liệu sử cũ cho biết trước khi có chùa, thạch động là một am tu hành của đạo sĩ Huỳnh Phong Chân Nhân về sau tu theo đạo Phật nên đổi hiệu thành Huỳnh Phong Hòa Thượng dưới thời Mạc Cửu thân sinh của Mạc Thiên Tích.
Đến năm 2003, chánh điện được tu sửa và nền được lát lại thành đá hoa cương, thờ Phật Thích Ca và Bồ Tát Quan Thế Âm. Ngày xưa, Tổng binh Đại đô đốc Mạc Thiên Tứ đã có bài thơ “Thạch Động thôn vân” tuyệt tác:
Sơn phong tủng thúy để tinh hà,
Động thất linh lung uẩn bích kha.
Bất ý yên vân do khứ vãng,
Vô ngần thảo mộc cộng bà sa.
Không chỉ là cảnh đẹp, nơi đây còn là một di tích đau thương. Nơi đây, ngày 14/3/1978, bọn Pôn Pốt đã tràn sang giết hại 130 người trốn trong hang. Tại cổng hang vẫn có bia đá ấy là minh chứng cho những thương đau, mất mát của chiến tranh ngay tại nơi này.
Thạch Sanh chém trăn tinh
Đến với Thạch Động, du khách sẽ được nghe kể rất nhiều câu chuyện bí ẩn về những vách đá có hình thù kỳ lạ, là nơi phát tích truyện Thạch Sanh - Lý Thông. Bên trong động có ba cửa hang nhỏ thông lên cao.
Trong đó, cửa hang ở phía Đông là nơi thông thiên, mỗi khi ánh sáng rọi xuống, mọi người thường gọi đó là đường lên trời. Tương truyền ngày xưa đại bàng tinh đã bắt công chúa Nguyệt Nga thả vào động từ cửa hang này và Thạch Sanh đã theo miệng hang này vào cứu công chúa.
Những vân đá trong hang tượng hình cô gái lờ mờ trên vách đứng, đã hình thành nên truyện cổ tích Thạch Sanh chém trăn tinh. Men theo những bậc thang nhỏ lên tầng có thể nhìn ra bên ngoài hang, du khách sẽ gặp một khối thạch nhũ hình đầu con đại bàng khổng lồ đang quặp một cô gái.
Trong động có một ngách nhỏ, nhìn vào chỉ thấy thăm thẳm. Người ta kể lại rằng, có rất nhiều người vì hiếu kỳ đã đi xuống đó tìm hiểu nhưng không thấy trở lên. Có người đã dùng trái dừa khô khắc chữ cho lăn xuống ngách thì phát hiện ra trái dừa đó trôi trên mặt biển Mũi Nai, chứng tỏ ngách này thông ra đến tận biển. Đây cũng là con đường mà Thạch Sanh đi gặp vua Thủy Tề trong cổ tích. Ngày nay, cửa miệng hang này đã được chắn lại để đảm bảo an toàn cho du khách.
Các thi sĩ của Tao đàn Chiêu Anh Các cho ra đời “Hà Tiên thập vịnh”, phát họa lại vẻ đẹp sắc sảo của mười danh lam, thắng cảnh Hà Tiên. Hãy đến Thạch Động thôn vân để biết vì sao được Tao đàn Chiêu Anh Các được liệt vào cảnh đẹp non nước hữu tình.