Đi tìm “Mắt người Sơn Tây”

Nguyễn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều cuối tuần, du khách có thể rời xa trung tâm Hà Nội náo nhiệt, làm cuộc xê dịch nho nhỏ tìm đến Sơn Tây để thư giãn. Đặc biệt, nơi đây có thành cổ tịch mịch và những gì mơ màng về mắt giai nhân xưa…

 Chụp ảnh lưu niệm tại thành cổ.
Thị xã Sơn Tây cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, có thể đến nơi này theo Quốc lộ 32 bằng xe hơi, xe máy và xe bus. Nơi đây, nhất là vào chiều bảng lảng, ngồi quán cà phê, du khách tìm được sự yên tĩnh, dù thị xã cũng khá đông đúc người qua lại.
“Mắt người Sơn Tây” ở đâu?
Bài thơ “Mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng miêu tả tình yêu đơn phương với một người đẹp, trong bối cảnh đất nước ly loạn. Người đẹp từ Hà Nội chạy giặc về Sơn Tây, chàng gặp nàng nhưng phải ra đi khi mới kịp thương nhớ: “Em ở thành Sơn chạy giặc về/ Tôi từ chinh chiến phải ra đi”. Bài thơ miêu tả người đẹp nói nhiều về đôi mắt: “Vầng trán em mang trời quê hương/ Mắt em dìu dịu buồn Tây phương” hay: “Đôi mắt người Sơn Tây/ U ẩn chiều lưu lạc”...

Bài thơ chính là lý do thôi thúc chúng tôi tìm về một hình bóng, Sơn Tây không chỉ là đường phố, con người mà còn đầy những hoài niệm lãng mạn.
Các nhân chứng sau này (bạn và người nhà của nhà thơ Quang Dũng) cho biết, nhân vật có đôi mắt “dìu dịu buồn Tây phương” là người thực, nàng rất đẹp, dáng cao nước da trắng và đôi mắt khiến bao chàng trai si tình. Nàng là một vũ nữ ở phòng nhảy có sĩ quan Nhật thường xuyên lui tới, họ vì nhớ quê nhà nên đặt cho cô cái tên Akemi. Mùa Đông 1946, Akemi di tản lên Sơn Tây mở quán cà phê nho nhỏ... Nhà thơ Quang Dũng thời điểm này cũng có mặt ở đây thời gian ngắn để rồi “chinh chiến cũng ra đi” và rồi có bài thơ “Tây Tiến” nổi tiếng không kém.
Quán cà phê của nàng Akemi hồi xưa là quán đơn sơ, vách bằng nứa, nhà thơ Quang Dũng có bài thơ ca tụng nàng đề trên vách quán: “Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền/ Khuấy nước kênh Đào sóng nổi lên/ Ý nhị me cười sau nếp áo/ Non sông cùng đắm giấc mơ tiên”.
Bài thơ “Mắt người Sơn Tây” sau đó được Phạm Đình Chương phổ nhạc với tên “Đôi mắt người Sơn Tây”, mở đầu với nỗi nhớ da diết, vời vợi: “Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai...”. Nhạc phẩm này được nhiều danh ca thể hiện: Thái Thanh, Hữu Trác, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Tuấn Ngọc và mới đây là Đức Tuấn.
Sau này, Akemi vào Nam và không thể gặp lại Quang Dũng như ông mong ước: “Bao giờ tôi gặp em lần nữa/ Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca/ Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ/ Còn có bao giờ em nhớ ta?”.
Sơn Tây không còn quán cà phê xưa, không bóng người xưa, cả thi nhân lẫn giai nhân, nhưng vẫn còn những quán nước đơn sơ vỉa hè, như quán nước bên hông chợ Nghệ, phía trước là xe, gánh hàng hoa cúc vàng, cúc tía...
Vọng lâu thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Nguyễn Hưng
Có một “con mắt” khác
Đó là thành cổ Sơn Tây. Tôi gọi thành cổ này là “mắt Sơn Tây” vì nó nằm trọn trong lòng phố thị với vẻ u mịch, chứng nhân của lịch sử thăng trầm hàng trăm năm.
Điều đặc biệt đây thành quân sự điển hình của thời phong kiến. Thành được xây dựng năm Minh Mạng thứ 3 (1822), tổng diện tích 16ha, tường thành làm bằng đá ong, thứ vật liệu có nhiều và phổ biến ở Sơn Tây. Theo thư tịch cổ, thành có chu vi 326 trượng 7 thước (1.306,8m), tường thành cao 1 trượng 1 thước (4,4m); chu vi hào nước bao quanh thành là 448 trượng (1.792m), rộng 6 trượng 7 thước (26,8m), sâu 1 trượng (4m).
Trong hồi ký của Charles Edouard Hocquard, một bác sĩ trong quân đội viễn chinh Pháp, đã tả lại kiến trúc trong thành Sơn Tây vào tháng 4 năm 1884: “Bên trong, giữa thành có một tháp cao 18m (cột cờ). Còn lại là Hành cung, nhà ở của các quan tỉnh và kho lương”...
Chiều thành cổ thưa thớt người vào ra, lác đác vài người đi bộ. Chúng tôi qua cột cờ, và qua một sân rộng lát gạch vào Hành cung. Đây là nơi các tướng lĩnh bàn việc quân, giờ ở giữa căn nhà 5 gian với những cột lim to được đặt bàn thờ để thờ những anh hùng, liệt sĩ. Chúng tôi thắp nén hương, như còn thấy bóng các chiến binh hiển hiện. Một người đang ngồi im lìm đọc sách cạnh cái bàn nhỏ góc nhà vui vẻ trả lời những câu hỏi chúng tôi rồi cúi xuống với sách, trả lại vẻ yên ắng vốn có.
Khuôn viên thành Sơn Tây giờ nhiều bóng cây rợp mát. Cụ già đang tản bộ chỉ vào một cổ thụ nói: “Cây xà cừ này mới trồng được 60 năm mà đã to lớn như vậy”. Chúng tôi hiểu doanh trại xưa còn nhiều nhà cửa để đồn trú, cây cối ít. “Mắt Sơn Tây” giờ đây thích hợp cho tất cả những ai quan tâm đến một thời lịch sử bi hùng của nước nhà, về kiến trúc thành cổ quân sự. Thành còn là nơi để người già tản bộ, người trẻ vào thư giãn và chụp ảnh kỷ niệm... Nó như công viên làm xanh thị xã Sơn Tây vốn xanh sắc núi rừng.
Từ Sơn Tây, chúng ta có thể nghé thăm những khu di tích, du lịch nổi tiếng khác như: Làng cổ Đường Lâm (làng hai vua), vườn quốc gia Ba Vì, khu du lịch Ao Vua...
“Mắt người Sơn Tây”, cả bài thơ lẫn thành cổ, vẫn còn đó, nó làm cho Sơn Tây - phố núi như xanh thắm thêm với nỗi nhớ ngày xưa, người xưa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần