Đi xe điện, xe máy dưới 50cc cần có bằng lái: Thay đổi cách nhìn về tiêu chí đào tạo, sát hạch bằng lái

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia giao thông cho rằng, yêu cầu người đi xe điện và xe máy dưới 50cc cần có bằng lái trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) do Bộ Công an soạn thảo đang trong giai đoạn trình Chính phủ xem xét để báo cáo Quốc hội là cần thiết. Tuy nhiên, hình thức đào tạo và sát hạch bằng lái cần có sự linh hoạt cho phù hợp.

 Đề xuất những người điều khiển xe máy dưới 50cc và xe điện cũng cần giấy phép lái xe. Ảnh: Hải Linh
Đột phá trong xây dựng luật
Với bản dự thảo luật này, Bộ Công an kỳ vọng sẽ hệ thống lại toàn bộ Giấy phép lái xe (GPLX) đối với ô tô và xe máy. Bản dự thảo luật không chỉ sắp xếp, phân loại lại các loại GPLX mà còn đưa ra kiến nghị đưa ra quy định người đi xe máy dưới 50cc, xe máy điện (công suất dưới 4kW) cũng sẽ phải có GPLX và đủ 16 tuổi mới được tham gia giao thông. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 62, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an ATGT, Bộ Công an quy định người lái xe máy, xe máy điện có dung tích xi lanh dưới 50cm³ (tức công suất dưới 50cc - PV) hoặc có công suất động cơ điện không quá 4kw phải được đào tạo, sát hạch, cấp GPLX Hạng A0. Điểm a, Khoản 1, Điều 63 dự thảo Luật cũng quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được cấp GPLX Hạng A0. Đề xuất này đang trở thành tâm điểm tranh luận của bản dự thảo luật này trong suốt những ngày qua.
Nếu như quy định lái xe dưới 50cc phải có GPLX được thông qua, sẽ là một điểm đột phá trong công tác xây dựng luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Bởi theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang có hiệu lực thi hành, người từ đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc. Bên cạnh đó, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT cũng quy định, GPLX hạng A1 là bằng lái xe hạng thấp nhất, cấp cho đối tượng điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3. Dưới hạng A1 không còn hạng nào. Do vậy, trường hợp đủ 16 tuổi, điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 thì không cần có GPLX.
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) do người điều khiển phương tiện chưa đủ 18 tuổi gây ra có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, 90% số vụ TNGT với trẻ em trong những năm gần đây là rơi vào nhóm từ 16 - 18 tuổi. Điều này đặt ra yêu cầu, cần phải có sự tăng cường công tác giám sát, quản lý đối với người điểu khiển xe máy trong độ tuổi này.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định, yêu cầu bắt buộc người điều khiển nhóm phương tiện dưới 50cc phải học và thi lấy GPLX là cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của lái xe trong việc chịu trách nhiệm cho hành vi giao thông của mình; đồng thời cũng là giúp trang bị những kiến thức, kỹ năng ATGT một bài bản, có hệ thống cho người trẻ ở độ tuổi vị thành niên. “Đây là việc làm cần thiết vì liên quan đến an toàn, sinh mạng của trẻ em thì phải thực hiện, sẽ tốt cho tương lai cả cuộc đời của các em sau này” – ông Khuất Việt Hùng nói.
Công bằng giữa xe điện và xe máy dưới 50cc
Điều đặc biệt, cùng thời điểm Bộ Công an dự thảo Luật Bảo đảm ATGT, Bộ GTVT cũng đang chủ trì dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (thay thế cho Luật Giao thông đường bộ năm 2008). Đặc biệt hơn nữa, hai đơn vị soạn thảo luật này đều có quan điểm đồng nhất đối với việc người điều khiển xe máy dưới 50cc phải có GPLX. Cụ thể, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất, người lái xe gắn máy, kể cả xe máy điện có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không quá 4kw phải được đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A0. Dự thảo Luật cũng quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng A0. Riêng bản dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có thêm quy định, người điều khiển xe máy điện cũng phải có GPLX.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc các văn bản luật hiện hành đều không có quy định trên đã vô tình tạo ra lỗ hổng trong công tác quản lý và giám sát. Đơn cử như Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ chỉ quy định người điều khiển xe mô tô sử dụng động cơ nhiệt có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên phải có GPLX mà không yêu cầu GPLX đối với người điều khiển loại xe tương tự sử dụng động cơ điện rất bất cập. Trên thực tế, theo quy chuẩn về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phương tiện dụng động cơ nhiệt có dung tích xi lanh lớn hơn 50cm3 và phương tiện sử dụng động cơ điện có công suất lớn hơn 4kW là giống nhau và cùng được gọi tên mô tô, xe gắn máy.
Còn về giá trị công suất quy đổi cũng như về kiểu loại, tải trọng và công dụng hai loại phương tiện này tương tự như nhau. Do đó, khi lái xe máy dưới 50cc phải có GPLX thì người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện có công suất tương tự cũng phải có bằng lái. Điều này không chỉ giúp bịt lỗ hổng trong quản lý phương tiện và người lái mà còn góp phần tăng cường công tác bảo đảm ATGT đối với nhóm đối tượng sử dụng phương tiện xe điện và xe máy dưới 50cc.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đề xuất người đi xe máy dưới 50cc và đi xe đạp điện phải có GPLX là phù hợp với Công ước Vienna mà Việt Nam đã tham gia. Bởi theo Công ước trên, xe có động cơ là xe cơ giới và người điều khiển phải có GPLX.

Quy định người đi xe máy điện, xe đạp điện và xe máy dưới 50cc phải có bằng lái là cần thiết. Qua khảo sát cho thấy, học sinh THCS trở lên đi xe đạp điện gây khoảng 70% số vụ TNGT có thương vong. Vì vậy, loại hình xe máy điện, xe đạp điện phải được quản lý và người điều khiển phải có GPLX. Tuy nhiên, trong trường hợp đề xuất trên được thông qua thì việc triển khai cần được tính toán kỹ để ít ảnh hưởng nhất đến các bậc phụ huynh, người giám hộ và bản thân các em học sinh. Theo tôi, trước khi triển khai quy định người đi xe điện và xe máy dưới 50cc phải có GPLX cần phải có số liệu thống kê, phân tích nhu cầu từng địa bàn, từng địa phương, khu vực, kết hợp với việc so sánh công suất, năng lực đáp ứng của các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, lúc đó mới có phương án phù hợp.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, TS Trần Hữu Minh